Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay, phân loại thống kê theo loại hình kinh tế thực hiện theo Quyết định số 231/TCTK-PPCĐ của Tổng cục Thống kê về quy định danh mục đơn vị kinh tế, hành chính sự nghiệp áp dụng trong điều tra, báo cáo thống kê. Theo quy định này, chế độ báo cáo tổng hợp áp dụng cho Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp được phân tổ thành các loại hình kinh tế, trong đó:
Đối với báo cáo nhanh phân theo 03 loại hình kinh tế: Kinh tế Nhà nước, Kinh tế ngoài Nhà nước, Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Đối với báo cáo chính thức 6 tháng và năm: Các chỉ tiêu tổng hợp (tài khoản quốc gia, lao động,...) phân theo 5 loại hình kinh tế: Kinh tế Nhà nước, Kinh tế tập thể, Kinh tế cá thể, Kinh tế tư nhân, Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, Quyết định số 231/TCTK-PPCĐ chỉ áp dụng trong ngành Thống kê. Đến nay, nước ta chưa có văn bản chính thức quy định loại hình kinh tế nên còn tồn tại nhiều ý kiến về phân chia, xác định các loại hình kinh tế dẫn đến khó khăn trong quá trình thu thập, biên soạn số liệu theo phân tổ này, như:
Việc thống kê theo loại hình kinh tế ở một số bộ, ngành không đồng nhất về phạm vi, ví dụ: Theo phân loại của Tổng cục Thống kê: Đối với kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, trừ các doanh nghiệp nước ngoài liên doanh có vốn góp của Nhà nước chiếm trên 50% được xếp vào loại hình "kinh tế nhà nước", tất cả các doanh nghiệp còn lại có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên 1% được phân loại vào loại hình "Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài".
Theo phân loại của Ngân hàng Nhà nước: Tất cả nhà đầu tư nước ngoài có vốn góp từ 1% trở lên đều xếp vào khu vực "kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài", không quan tâm đến vốn đầu tư trực tiếp hay gián tiếp, loại hình doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, số liệu chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP), Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo loại hình kinh tế thường xuyên được yêu cầu nghiên cứu, bổ sung hoặc điều chỉnh phân tổ để đáp ứng nhu cầu thông tin quản lý theo lĩnh vực. Tuy nhiên, việc chưa rõ ràng về phạm vi, nội hàm theo loại hình kinh tế dẫn đến khó khăn trong công tác biên soạn số liệu GDP, GRDP.
Với những lý do nêu trên, việc xây dựng và ban hành Thông tư quy định phân loại thống kê theo thành phần kinh tế là cần thiết, làm căn cứ pháp lý để hướng dẫn thực hiện phân loại thống nhất trong hoạt động thống kê nhà nước; đồng thời phù hợp với những quy định hiện hành liên quan đến loại hình kinh tế.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự thảo Thông tư quy định phân loại thống kê theo loại hình kinh tế được ban hành để sử dụng trong hoạt động thống kê nhà nước nhằm xếp các đơn vị kinh tế có cùng tính chất vào loại hình kinh tế tương ứng.
Một đơn vị kinh tế được xếp vào một loại hình kinh tế tương ứng căn cứ vào các tiêu chí theo thứ tự ưu tiên như sau: Quy định của pháp luật hiện hành; Tỷ lệ vốn chủ sở hữu; Tính đặc thù của mỗi loại hình kinh tế.
- Cấp 1 gồm 04 loại hình kinh tế được mã hoá lần lượt từ 1 đến 4 (gồm: 1- Loại hình kinh tế nhà nước; 2- Loại hình kinh tế tập thể; 3- Loại hình kinh tế tư nhân; 4- Loại hình kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài).
- Cấp 2 gồm 17 loại hình kinh tế; mỗi loại hình được mã hoá bằng hai chữ số theo cấp 1 tương ứng.
Cụ thể, loại hình kinh tế nhà nước gồm: 11- Tổ chức do nhà nước nắm giữ 100% vốn; 12- Tổ chức do nhà nước nắm giữ từ 50% vốn trở lên; 13- Tổ chức do nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn và tỷ lệ nắm giữ là lớn nhất; 14- Các tổ chức khác mà kinh phí hoạt động chủ yếu do Nhà nước cấp.
Loại hình kinh tế tập thể gồm: 21- Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã, Tổ hợp tác; 22- Tổ chức do Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã thành lập, góp vốn, mua cổ phần tham gia, trong đó vốn góp của hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã là lớn nhất; 23- Hội; 24- Tổ chức kinh tế tập thể khác.
Loại hình kinh tế tư nhân gồm: 31- Tổ chức do tư nhân nắm giữ 100% vốn; 32- Tổ chức do tư nhân nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên; 33- Doanh nghiệp do tư nhân nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ trở xuống nhưng tỷ lệ nắm giữ là lớn nhất; 34- Hộ sản xuất; 35- Tổ chức tư nhân khác.
Loại hình kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài gồm: 41- Doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài nắm 100% vốn điều lệ; 42- Doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên; 43- Doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ và tỷ lệ nắm giữ là lớn nhất; 44- Tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài khác.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Khánh Linh