Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chương trình điều tra thống kê quốc gia theo Quyết định số 03/2023/QĐ-TTg ngày 15/02/2023. Chương trình điều tra thống kê quốc gia gồm tên cuộc điều tra, mục đích, đối tượng, đơn vị, loại điều tra, nội dung điều tra, thời kỳ, thời điểm điều tra và cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thực hiện.
Danh mục các cuộc điều tra thống kê thuộc Chương trình điều tra thống kê quốc gia gồm 45 cuộc điều tra (có 03 cuộc tổng điều tra thống kê quốc gia và 42 cuộc điều tra ở các lĩnh vực khác nhau). Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) và các bộ, ngành vẫn đang thực hiện các cuộc điều tra thuộc Chương trình điều tra thống kê quốc gia theo quy định. Các cuộc điều tra này được thực hiện để thu thập chỉ tiêu thống kê quốc gia theo quy định tại Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 07/11/2022 của Chính phủ quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Tuy nhiên, ngày 07/6/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62/2024/NĐ-CP, trong đó quy định: Lịch phổ biến một số thông tin thống kê quan trọng của cơ quan thống kê trung ương và thời gian công bố số liệu GDP, GRDP.
Để công bố số liệu thống kê theo đúng thời gian quy định tại Nghị định số 62/2024/NĐ-CP cần phải thay đổi thời gian thu thập thông tin của các chỉ tiêu thống kê quốc gia có liên quan. Trong khi đó, Chương trình điều tra thống kê quốc gia ban hành theo Quyết định số 03/2023/QĐ-TTg đã quy định cụ thể thời kỳ, thời điểm điều tra của các cuộc điều tra thống kê quốc gia. Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi Quyết định số 03/2023/QĐ-TTg để phù hợp với quy định của Nghị định số 62/2024/NĐ-CP.
Chương trình điều tra thống kê quốc gia gồm 45 cuộc điều tra, trong đó đó có 03 cuộc tổng điều tra thống kê quốc gia (Tổng điều tra dân số và nhà ở; Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp; Tổng điều tra kinh tế) và 42 cuộc điều tra ở các lĩnh vực khác nhau, cụ thể:
+ Nhóm 01. Điều tra dân số, lao động và việc làm, gồm 3 cuộc điều tra.
+ Nhóm 02. Điều tra đất đai, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, gồm 8 cuộc điều tra.
+ Nhóm 03. Điều tra công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ và vốn đầu tư, gồm 8 cuộc điều tra.
+ Nhóm 04. Điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp và tài khoản quốc gia, gồm 5 cuộc điều tra.
+ Nhóm 05. Điều tra giá, gồm 9 cuộc điều tra.
+ Nhóm 06. Điều tra khoa học công nghệ, thông tin và truyền thông, gồm 3 cuộc điều tra.
+ Nhóm 07. Điều tra y tế, xã hội và môi trường, gồm 6 cuộc điều tra.
Mỗi cuộc điều tra gồm các nội dung sau: Mục đích điều tra; đối tượng, đơn vị điều tra; loại điều tra; nội dung điều tra; thời kỳ, thời điểm điều tra; cơ quan chủ trì; cơ quan phối hợp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu rõ những điểm mới của dự thảo. Cụ thể, về kết cấu của dự thảo Quyết định: Tăng 02 điều so với Quyết định số 03/2023/QĐ-TTg. Bỏ phần quy định chung của Chương trình điều tra thống kê quốc gia vì đã gộp vào các điều của dự thảo Quyết định.
Về tổ chức thực hiện: Dự thảo Quyết đinh quy định Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư được phân cấp hoặc ủy quyền cho Tổng cục Thống kê ban hành kế hoạch các cuộc điều tra thống kê hằng năm, phương án điều tra của từng cuộc tổng điều tra, điều tra được phân công trong Chương trình điều tra thống kê quốc gia.
Về Chương trình điều tra thống kê quốc gia: Giữ nguyên 20 cuộc điều tra; sửa nội dung của 25 cuộc điều tra.
Nội dung sửa đổi các cuộc điều tra chủ yếu vào mục đích điều tra; đối tượng, đơn vị điều tra; nội dung điều tra; thời kỳ, thời điểm điều tra để phù hợp với tình hình thu thập thông tin thực tế và bảo đảm tổng hợp, công bố số liệu thống kê theo đúng thời gian quy định tại Nghị định số 62/2024/NĐ-CP.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Lan Phương