Đối với phong hàm ngoại giao lần đầu, dự thảo quy định rõ tần suất tổ chức thực hiện phong hàm ngoại giao định kỳ hàng năm, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao rà soát các trường hợp đủ điều kiện, tiêu chuẩn.
Quy trình xét thăng cấp bậc hàm trên cơ sở rà soát hồ sơ nếu cán bộ đáp ứng các tiêu chuẩn của hàm ngoại giao tương ứng và đáp ứng điều kiện về thời gian giữ hàm tối thiểu thì sẽ xét thăng hàm tự động (tương tự như cơ chế nâng ngạch, bậc lương hay cơ chế nâng hàm sĩ quan quân đội nhân dân, công an nhân dân); quy định cơ chế cho phép thăng vượt hàm ngoại giao trong trường hợp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Dự thảo cũng quy định về thẩm quyền của Chủ tịch nước trong phong, thăng, hạ, tước hàm Đại sứ trên cơ sở kiến nghị của Thủ tướng Chính phủ theo kiến nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trong quyết định phong, thăng, hạ hoặc tước các hàm ngoại giao khác.
Dự thảo đề xuất hệ thống các hàm, cấp ngoại giao căn cứ vào thông lệ quốc tế, theo đó hàm ngoại giao cao cấp bao gồm hàm Tham tán, Tham tán Công sứ, Công sứ, Đại sứ; hàm ngoại giao trung cấp bao gồm hàm Bí thư thứ hai, Bí thư thứ nhất; hàm ngoại giao sơ cấp bao gồm Tuỳ viên, Bí thư thứ ba. Bỏ quy định về chức vụ ngoại giao do đã có quy định tại pháp luật về cơ quan đại diện.
Nâng cao tiêu chuẩn của hàm Đại sứ theo hướng cụ thể hoá về thời gian đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực ngoại giao hoặc đối ngoại và bổ sung yêu cầu bắt buộc đã từng đảm nhiệm vị trí người đứng đầu cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Đối tượng được xét phong hàm ngoại giao bao gồm tất cả cán bộ, công chức của ngành ngoại giao; việc xét duyệt hàm ngoại giao sẽ được căn cứ chủ yếu vào việc đáp ứng các điều kiện của hàm, cấp ngoại giao tương ứng mà không hạn chế đối tượng đầu vào để xét phong hàm ngoại giao.
Nhằm thu hút, giữ chân cán bộ, tạo động lực để cán bộ ngoại giao sau khi tuyển dụng gắn bó với nghề, tận tâm, tận lực và phấn đấu đạt các tiêu chuẩn cao của hàm ngoại giao; đảm bảo điều kiện để cán bộ ngoại giao tái tạo sức lao động, xây dựng hình ảnh đại diện cho Việt Nam trong môi trường ngoại giao quốc tế, dự thảo đề xuất:
Một số quyền lợi của người mang hàm ngoại giao, như: được sử dụng hàm ngoại giao trong công tác đối ngoại, được pháp luật bảo vệ và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giúp đỡ khi thi hành công vụ; được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ đối ngoại, được bố trí công tác phù hợp; hàm ngoại giao là một căn cứ xếp thứ bậc trong hoạt động đối ngoại và căn cứ bổ nhiệm chức vụ ngoại giao khi được cử đi công tác tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; được giữ hàm ngoại giao trọn đời trừ trường hợp tước hàm ngoại giao theo quy định.
Một số chế độ đãi ngộ cho người mang hàm ngoại giao bao gồm phụ cấp theo hàm ngoại giao, các bảo đảm nhà ở, chăm sóc sức khoẻ và giao Chính phủ quy định chi tiết về các chế độ đãi ngộ này.
Bổ sung quy định kéo dài tuổi nghỉ hưu cho người mang hàm Đại sứ trong trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ.
Dự thảo bổ sung quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của người mang hàm ngoại giao bao gồm: phải sử dụng hàm ngoại giao trong hoạt động đối ngoại; không ngừng nâng cao trình độ, kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm đối ngoại; giữ gìn tác phong, đạo đức, hình ảnh và thực hiện quy chế phát ngôn của ngành Ngoại giao; sẵn sàng đảm nhận các nhiệm vụ đối ngoại và chấp nhận phân công đi công tác nhiệm kỳ trong trường hợp có yêu cầu đối ngoại. Người mang hàm ngoại giao có trách nhiệm định kỳ báo cáo về việc sử dụng hàm ngoại giao, chịu sự quản lý của Bộ Ngoại giao về chuyên môn, nghiệp vụ và các điều kiện phong hàm.
Bổ sung quy định các điều cấm đối với người mang hàm ngoại giao như không được lạm dụng, lợi dụng quyền hạn được giao để xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Quy định về chế tài xử lý trong trường hợp vi phạm các điều cấm đối với người mang hàm, cấp ngoại giao và vi phạm các quy định của Luật.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Khánh Linh