• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Bộ Ngoại giao đề nghị xây dựng Luật Hàm, cấp ngoại giao

(Chinhphu.vn) - Bộ Ngoại giao đang đề nghị xây dựng Luật Hàm, cấp ngoại giao trên cơ sở sửa đổi, nâng cấp Pháp lệnh về Hàm, cấp ngoại giao.

17/10/2023 12:53
Bộ Ngoại giao đề nghị xây dựng Luật Hàm, cấp ngoại giao - Ảnh 1.

Bộ Ngoại giao đề nghị xây dựng Luật Hàm, cấp ngoại giao

Bộ Ngoại giao cho biết, Pháp lệnh về Hàm, cấp ngoại giao được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá IX thông qua ngày 31/5/1995. Pháp lệnh ra đời trong bối cảnh Việt Nam thực hiện mạnh mẽ chủ trương muốn là bạn, là đối tác với các nước trên thế giới và mở rộng, đa phương hoá quan hệ đối ngoại. Nghị định 13-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh về Hàm, cấp ngoại giao được ban hành năm 1996, tiếp tục làm rõ và quy định chi tiết các nội dung của Pháp lệnh.

Sau gần 30 năm thực hiện, Pháp lệnh đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để từng bước thực hiện chính quy hoá ngành ngoại giao, tiêu chuẩn hoá đội ngũ công chức ngành ngoại giao Việt Nam và phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại. Bộ Ngoại giao đã tiến hành 12 đợt phong hàm Đại sứ cho 248 đồng chí và 04 đợt phong hàm ngoại giao từ Tuỳ viên đến Công sứ cho 1477 đồng chí…

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, Pháp lệnh được ban hành đã lâu, nhiều quy định không còn phù hợp với tình hình, yêu cầu công tác đối ngoại hiện nay và không còn bảo đảm tính đồng bộ với quy định pháp luật hiện hành. Trong đó, một số bất cập lớn cụ thể như sau:

Quyền lợi và trách nhiệm gắn với hàm ngoại giao chưa thực chất và chưa đáp ứng yêu cầu công tác đối ngoại. Pháp lệnh quy định người mang hàm ngoại giao "được hưởng mọi quyền lợi của công chức Nhà nước", "được pháp luật bảo vệ và được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giúp đỡ khi thi hành công vụ", "được cấp giấy chứng nhận về hàm, cấp ngoại giao" theo quy định của Chính phủ". Việc phong, thăng hàm, cấp ngoại giao "là cơ sở để bố trí công tác, bồi dưỡng nâng cao trình độ, đề bạt chức vụ và xếp lương cho công chức phù hợp với quy định chung về chế độ lương của Nhà nước".

Tuy nhiên, Pháp lệnh không quy định cơ chế thi hành, cũng không giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định cụ thể về chế độ đãi ngộ và nghĩa vụ gắn với hàm ngoại giao. Việc xếp lương theo hàm ngoại giao hoặc phụ cấp cho người mang hàm ngoại giao chưa thực hiện được do chưa có quy định cụ thể và vướng với các quy định chung về lương, phụ cấp. Việc đề bạt chức vụ, bổ nhiệm, bố trí công tác thực hiện theo các tiêu chuẩn, quy trình hiện hành của cấp có thẩm quyền. Các quyền lợi và đãi ngộ của người mang hàm ngoại giao hầu như chỉ có tính chất "tôn vinh", "tượng trưng", không vượt quá chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức nhà nước. Chưa có cơ chế cụ thể bảo đảm việc thực hiện các nghĩa vụ của người mang hàm ngoại giao, nhất là trách nhiệm sử dụng hàm, cấp ngoại giao trong hoạt động đối ngoại; việc thực hiện chủ yếu phụ thuộc vào ý thức và tính tự giác của cá nhân mà chưa có chế tài, cơ chế thi hành. Những điều này dẫn đến hạn chế rất lớn hiệu quả của hàm, cấp ngoại giao trong tạo sự gắn bó lâu dài của cán bộ với ngành, tính chuyên nghiệp, tinh thần phụng sự ngành và công cuộc đối ngoại của đất nước.

Bên cạnh đó, quy trình, thủ tục, đối tượng và thẩm quyền trong phong hàm, thăng hàm ngoại giao chưa bảo đảm rõ ràng, chặt chẽ. Nhiều quy định của Pháp lệnh không còn bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định pháp luật chuyên ngành.

Do vậy, việc xây dựng Luật Hàm, cấp ngoại giao là thực sự cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động đối ngoại với giá trị pháp lý cao, có tính ổn định, tạo cơ sở pháp lý để ngành Ngoại giao thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong cung cấp các điều kiện làm việc và chế độ đãi ngộ cho ngành Ngoại giao đáp ứng yêu cầu đối ngoại, nâng cao vị thế của ngành Ngoại giao trên trường quốc tế và khu vực, phù hợp với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.

Đề xuất 8 chính sách thực hiện

Trên cơ sở kế thừa các chính sách hiện hành còn hiệu quả, phù hợp với thực tiễn tại Pháp lệnh về Hàm, cấp ngoại giao năm 1995, Bộ Ngoại giao đề xuất 08 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Hàm, cấp ngoại giao gồm:

Chính sách 1: Hoàn thiện quy trình, thủ tục, thẩm quyền liên quan đến phong hàm ngoại giao.

Chính sách 2: Hoàn thiện và cập nhật tiêu chuẩn phong hàm ngoại giao.

Chính sách 3: Quy định thống nhất các đối tượng được xét phong hàm ngoại giao.

Chính sách 4: Quy định về trường hợp đặc biệt, có thể xét phong hàm Đại sứ cho cán bộ, công chức của một số cơ quan đầu mối về công tác đối ngoại ở Trung ương.

Chính sách 5: Gắn hàm ngoại giao với cơ chế đãi ngộ xứng đáng và các bảo đảm về điều kiện làm việc.

Chính sách 6: Quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của người mang hàm ngoại giao.

Chính sách 7: Tăng cường quản lý nhà nước về hàm, cấp ngoại giao.

Chính sách 8: Thể chế hoá Hiến pháp năm 2013 và hoàn thiện về hình thức và kỹ thuật văn bản.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Khánh Linh