Theo dự thảo, các bên có quan hệ liên kết là các bên có mối quan hệ thuộc một trong các trường hợp:
Một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia.
Các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác.
Các bên liên kết nêu trên được quy định cụ thể như sau:
Một doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia, doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 20% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng.
Cả hai doanh nghiệp đều có ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp; doanh nghiệp và tổ chức tín dụng đều có ít nhất 20% vốn điều lệ do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp.
Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay.
Dự thảo cũng nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm: Phối hợp cung cấp thông tin, số liệu về các khoản vay, trả nợ nước ngoài của từng doanh nghiệp cụ thể có giao dịch liên kết trên cơ sở danh sách do Cơ quan thuế yêu cầu, bao gồm dữ liệu về kim ngạch khoản vay, lãi suất, kỳ trả lãi, trả gốc, thực tế rút vốn, trả nợ (gốc, lãi) và các thông tin liên quan khác (nếu có).
Đồng thời phối hợp cung cấp thông tin về người liên quan của tổ chức tín dụng và Công ty liên kết của tổ chức tín dụng khi Cơ quan thuế yêu cầu.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Khánh Linh