Tại Ngày hội diễn ra nhiều hoạt động thu hút đông đảo người dân đến tham quan, như Chương trình ca múa nghệ thuật; livestream bán các sản phẩm OCOP, nông sản tiêu biểu của huyện; gian hàng trưng bày nông sản đặc trưng và đạt OCOP của huyện; các phần thi trưng bày và thuyết minh về không gian văn hóa trà; thi pha trà và mời trà.
Có 9 đội đến từ các HTX, làng nghề chè trong huyện tham gia các phần thi trên, gồm: HTX chè an toàn Nguyên Việt (xã Minh Lập), HTX Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình (xã Hòa Bình), HTX BKQ ORGANIC (xã Khe Mo), HTX chè Tuyết Hương (xã Hóa Trung), HTX chè Tình Hoan, HTX chè Văn Hán và HTX Thái Minh (cùng ở xã Văn Hán), HTX Tân Hoàng Trà (thị trấn Sông Cầu) và Làng nghề chè truyền thống xóm Trại Cài (xã Minh Lập).
Các đội tham gia cho biết, qua Lễ hội này, các hoạt động đã giúp bà con nâng cao ý thức, giúp cho người trồng chè hiểu và nắm rõ quy trình thu hái chè đúng kỹ thuật, nâng cao giá trị và tạo ra sản phẩm chất lượng tốt nhất. Đây cũng là sân chơi để người làm chè, các làng nghề, các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất chè trên địa bàn được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm qua đó tăng cường thúc đẩy hợp tác sản xuất và tiêu thụ chè, quảng bá, giới thiệu sản phẩm chè Đồng Hỷ đến du khách trong và ngoài tỉnh.
Kết thúc Ngày hội, Ban Tổ chức trao Cờ lưu niệm cho các đội, đơn vị tham gia; trao giải Nhất toàn đoàn, giải Nhất phần thi trưng bày và thuyết minh về không gian văn hóa trà cho HTX Thái Minh; giải Nhất phần thi pha trà và mời trà được trao cho HTX chè an toàn Nguyên Việt.
Ngày hội là một trong những hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ các sản phẩm trà, gắn với phát triển văn hóa dân tộc, bảo tồn, gìn giữ các làng nghề chè của huyện Đồng Hỷ. Đồng thời đây cũng là dịp tôn vinh những người làm nghề chè, tạo cơ hội cho các hộ, doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác trong và ngoài huyện trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè nhằm nâng cao thu nhập cho nguời dân.
Thái Nguyên là địa phương có diện tích chè lớn nhất cả nước, với trên 22.200 ha, trong đó diện tích chè cho sản phẩm đạt 20.900 ha. Sản lượng chè búp tươi đạt trên 260.000 tấn, giá bán chè Thái Nguyên luôn ở mức cao hơn các vùng chè khác trong cả nước.Với tiềm năng lợi thế của địa phương, cùng với định hướng phát triển các sản phẩm đặc trưng chủ lực, những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp, xây dựng các đề án, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng để từ đó góp phần tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh, xa hơn là hướng đến xuất khẩu.
Hiện tại, ở Thái Nguyên có bốn vùng trồng chè nổi tiếng là: Tân Cương (TP. Thái Nguyên), La Bằng (Đại Từ), Trại Cài (Đồng Hỷ) và Khe Cốc (Phú Lương) được mệnh danh là "Tứ đại danh trà" đất Thái Nguyên. Đây chính là các vùng nguyên liệu để sản xuất ra những sản phẩm chè đặc sản nổi tiếng và đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Thường mỗi gia đình ở đây đều có vườn chè và lò sấy riêng và chủ hộ đóng rất nhiều vai khác nhau như: người nông dân cần cù khi trồng và chăm sóc cây chè, người công nhân giỏi khi chế biến và một thương nhân khi bán hàng. Mỗi một vùng, mỗi một nhà đều có hương vị trà khác nhau với các bí quyết riêng.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Bình, Thái Nguyên rất quan tâm và phát triển cây chè - cây trồng chủ lực làm giàu cho nông dân. Tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương, nông dân nâng cao giá trị, thương hiệu chè Thái Nguyên. Mục tiêu đến năm 2025 là toàn tỉnh có 23.500 ha chè, 85% diện tích chè giống mới, giá trị bình quân đạt 350 triệu đồng/ha.
Trong đó chú trọng các nhiệm vụ trọng tâm: quy hoạch vùng chè, xây dựng thương hiệu chè quốc gia, thống nhất quy trình sản xuất, chế biến chè. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến chè. Rà soát vùng sản xuất chè gắn với phát triển du lịch; xây dựng mã số vùng trồng, mở rộng diện tích chè hữu cơ, chè sạch; tăng cường chuyển đổi số, xúc tiến thương mại, giao dịch điện tử để tiêu thụ chè.
Minh Anh