Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trong 2 năm 2022 và 2023, toàn tỉnh Thái Nguyên đã triển khai đầu tư xây dựng 268 công trình hạ tầng ở các xã khu vực III, xã có xóm đặc biệt khó khăn, trong đó đã có 176 công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, hiện nay đang khẩn trương triển khai thi công 92 công trình.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên Phan Đức Cường cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 với 10 dự án thành phần giúp giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, ổn định dân cư, nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào, hướng đến mục tiêu từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tổ chức sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Với ý nghĩa to lớn đó, ngay từ khi triển khai, Chương trình luôn nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đặc biệt từ đầu năm 2023 đến nay, các chương trình, dự án, chính sách dân tộc được triển khai đã phát huy hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng mục đích, đối tượng.
Thời gian gần đây, HĐND tỉnh Thái Nguyên cũng đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát kết quả triển khai thực hiện Dự án 4 - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn các huyện, cho thấy việc triển khai đạt yêu cầu đề ra. Điển hình như, trong 2 năm 2022 và 2023, huyện Định Hóa được giao gần 70 tỷ đồng, lồng ghép với nguồn vốn khác để đầu tư 135 công trình tại 13 xã, trong đó 50% số công trình đã được đưa vào sử dụng.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai Dương Văn Toản, là một trong 2 huyện khó khăn nhất tỉnh, Võ Nhai có nhiều xã khu vực III và xóm đặc biệt khó khăn nên được đầu tư nhiều công trình hạ tầng thiết yếu nhất, tranh thủ thời tiết thuận lợi trong mùa khô, chúng tôi đang nỗ lực chỉ đạo các xã, chủ đầu tư tích cực giải phóng mặt bằng, tập trung nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thi công những công trình chuyển tiếp từ năm 2022 sẽ hoàn thành trong năm nay và công trình khởi công năm 2023 hoàn thành trong thời gian sớm nhất.
Nhờ đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển kinh tế, ưu tiên các vùng khó, đến nay, cơ sở hạ tầng vùng DTTS được đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; 99,79% xóm thuộc vùng DTTS và miền núi của tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 100% xóm có điện lưới quốc gia; trên 95% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã vùng DTTS và miền núi có trường học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên, nhà ở cho học sinh ở những nơi cần thiết; 100% xã có trạm y tế trong đó có trên 90% xã có bác sĩ; 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, kết nối thông tin liên lạc hiện đại; 100% xã có điện thoại cố định và di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân.
Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, song việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, một số văn bản hướng dẫn thực hiện các nội dung thuộc Chương trình của các bộ, ngành Trung ương ban hành còn chậm và chưa cụ thể, thống nhất dẫn đến việc tổ chức triển khai thực hiện và giải ngân nguồn vốn gặp khó khăn.
Theo ông Vũ Xuân Thái, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đồng Hỷ, trong thời gian tới để tiếp tục đẩy mạnh các dự án của chương trình mục tiêu quốc gia, cần nghiên cứu kỹ các văn bản của Trung ương, bộ, ban, ngành, để hướng dẫn địa phương thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong các chủ dự án, tiểu dự án.
Theo kế hoạch, những tháng cuối năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc "Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030". Đôn đốc các sở, ngành, UBND các huyện đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn được giao thực hiện Chương trình, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn giao. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội vùng DTTS; phối hợp khắc phục kịp thời thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh xảy ra ở vùng DTTS; chủ động nắm bắt tình hình các địa bàn nhạy cảm về an ninh trật tự không để xảy ra các điểm nóng, phức tạp; tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, kết hợp nắm tình hình; chủ động phát hiện những vi phạm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết kiến nghị của các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện chính sách dân tộc. Triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách mới ban hành; bảo đảm chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống.
Những năm qua, nhờ vào những chính sách của Đảng và Nhà nước, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc ở tỉnh Thái Nguyên ngày được nâng cao, bộ mặt nông thôn nhiều khởi sắc. Người dân được hưởng lợi từ chính sách vì thế cũng phấn khởi, có thêm cơ hội mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo, góp sức xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Cùng với nhiều các chính sách dân tộc của Trung ương đang được triển khai, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã ban hành các chính sách đặc thù, các dự án chuyên đề như: Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng An toàn khu, vùng DTTS đặc biệt khó khăn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017 - 2020; Đề án Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án 2037); chính sách hỗ trợ muối iốt, phòng chống biếu cổ, thiểu năng trí tuệ cho người dân vùng dân tộc và miền núi Thái Nguyên, giai đoạn 2017 - 2020; Dự án xóa các xóm bản thiếu điện, "trắng" điện lưới quốc gia; Dự án xóa phòng học tạm vùng đặc biệt khó khăn… Công tác động viên, thăm hỏi, đón tiếp tặng quà đồng bào, tôn vinh, biểu dương người DTTS tiêu biểu được quan tâm thực hiện. Các chính sách dân tộc trên được tổ chức thực hiện hiệu quả góp phần làm thay đổi tập quán canh tác, cải thiện đời sống đồng bào các DTTS tỉnh Thái Nguyên.
Minh Anh