Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo nguồn lực tài chính quan trọng, góp phần giúp cải thiện thu nhập cho các ban quản lý rừng, người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc và người dân sinh sống ở khu vực miền núi tại vùng đệm các khu rừng đặc dụng và giáp ranh các khu rừng phòng hộ.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị cho biết, trong năm 2022, cả nước đã thu được trên 3.700 tỷ đồng; 11 tháng đầu năm 2023 đã thu được gần 3.100 tỷ đồng.
Hiện nay, theo quy định pháp luật, có các loại dịch vụ môi trường rừng là: Bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; điều tiết, duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội; hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh; bảo vệ, duy trì vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng cho kinh doanh dịch vụ du lịch; cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn, con giống tự nhiên, nguồn nước từ rừng và các yếu tố từ môi trường, hệ sinh thái rừng để nuôi trồng thủy sản.
Số liệu của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Trung ương cũng thống kê đến thời điểm này, cả nước có trên 228 ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ nhận được kinh phí chi trả từ dịch vụ môi trường rừng với tổng diện tích rừng được chi trả là trên 4,3 triệu ha và tương ứng với tổng số tiền là trên 1.663 tỉ đồng.
Cụ thể, có 75 ban quản lý rừng đặc dụng được chi trả 1,35 triệu ha rừng, tương ứng với số tiền được nhận là 441 tỉ đồng và có 153 ban quản lý rừng phòng hộ được chi trả trên 2,95 triệu ha rừng, tương ứng với số tiền được nhận là 1.222 tỉ đồng.
Tổng số tiền được hưởng từ dịch vụ môi trường của ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng đã được chi trả theo đúng quy định và nguồn thu đã tạo sự ủng hộ của người dân trong công tác bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển bền vững tài nguyên rừng.
Cục Lâm nghiệp thông tin thêm, năm 2023, một số địa phương đang xây dựng và hoàn thiện hồ sơ thành lập mới các khu rừng đặc dụng như: Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mông trắng tại huyện Kim Bảng (Hà Nam) với diện tích 3.182 ha; Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Quảng Châu (Quảng Ninh) với diện tích đề xuất là 18.278 ha; Khu bảo vệ cảnh quan bảo tồn di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) với diện tích khoảng 132 ha.
Một số khu đang xây dựng hồ sơ đề xuất nâng cấp, chuyển hạng từ khu dự trữ thiên nhiên thành vườn quốc gia, như: Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thanh Hóa), Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát (Lào Cai), Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (Đắk Lắk).
Hiện nay, đã có 143 đơn vị đã xây dựng phương án bảo tồn và quản lý rừng bền vững và được cấp có thẩm quyền phê duyệt (chiếm 69%); 16 đơn vị đang trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; 8 đơn vị chưa thực hiện.
Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ (ERPA) đã được ký giữa Việt Nam (Bộ NN&PTNT) và Ngân hàng Thế giới đối với 6 tỉnh Bắc Trung bộ giai đoạn 2018 - 2024. Theo ERPA, Việt Nam chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 cho Ngân hàng Thế giới với tổng giá trị là 51,5 triệu USD, tương ứng 1.200 tỉ đồng.
Đỗ Hương