Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Toàn cảnh hội nghị - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT, tiền dịch vụ môi trường rừng hằng năm đã góp phần quản lý bảo vệ hơn 5 triệu ha rừng, chiếm khoảng 42% tổng diện tích rừng toàn quốc; góp phần hỗ trợ cho chủ rừng có kinh phí quản lý, bảo vệ rừng; hỗ trợ các Công ty Lâm nghiệp khi dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên và hỗ trợ kịp thời cho hơn 410.000 hộ gia đình, cộng đồng với 86% là đồng bào dân tộc có điều kiện nâng cao đời sống, cải thiện sinh kế trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang khó khăn.
Nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng chiếm tỉ trọng 16% nguồn kinh phí đầu tư cho toàn ngành lâm nghiệp. Trong những năm gần đây khi điều chỉnh tăng mức thu tiền dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2017-2018, tiền dịch vụ môi trường rừng đóng góp 18%.
Những số liệu trên được công bố tại Hội nghị “Tổng kết 10 năm tổ chức và hoạt động Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2008-2018” do Tổng cục Lâm nghiệp, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức ngày 19/10, tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam đã huy động ủy thác nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng đạt hơn 10.000 tỷ đồng, bình quân trên 1.300 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, năm 2018, có thể thu được 2.500 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng.
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, quỹ cơ bản là huy động nguồn thu từ xã hội, từng bước hình thành quỹ tài chính cho lâm nghiệp. Qua đây, lâm nghiệp ngày càng khẳng định không chỉ có tài sản là lâm sản mà còn ngoài lâm sản như dịch vụ môi trường rừng… Thời gian tới cần mở rộng thêm nguồn thu từ các dịch vụ khác mà đang được hưởng lợi từ rừng.
Chi trả dịch vụ môi trường rừng là một trong nguồn tài chính quan trọng hình thành Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Ngày 14/01/2008 Chính phủ ban hành Nghị định 05/2008/NĐ-CP về thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng nhằm mục đích thu hút, vận động, tiếp nhận các nguồn tài chính ngoài ngân sách Nhà nước cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/01/2019 có quy định Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, tổ chức hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo ông Lê Văn Thanh, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, kinh phí cho hoạt động của bộ máy Quỹ Trung ương được trích tối đa 5% tổng tiền dịch vụ môi trường rừng thu hàng năm; tối đa 10 cho hoạt động của bộ máy Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh.
Với cơ chế tài chính của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, kinh phí cho hoạt động bộ máy quỹ các cấp tương đối ổn định để chi lương và các hoạt động chuyên môn phục vụ thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, trồng rừng thay thế và không phải sử dụng nguồn ngân sách của nhà nước cấp.
Đến nay, tổng số hợp đồng ủy thác đã được Quỹ Trung ương và Quỹ tỉnh ký là 613 hợp đồng; trong đó thủy điện 387 hợp đồng, nước sạch 150 hợp đồng, du lịch là 76 hợp đồng.
Chi trả dịch vụ môi trường rừng là một trong nguồn tài chính quan trọng hình thành Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng. Sau 10 năm tổ chức hoạt động Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (2008-2018) gắn với 8 năm triển khai thực hiện Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/09/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã thực sự phát huy được vai trò quan trọng và là địa chỉ tin cậy trong việc huy động nguồn tài chính mới, ổn định, bền vững cho bảo vệ phát triển rừng.
Đỗ Hương