In bài viết

Đoàn công tác VPCP khảo sát, nắm bắt vướng mắc tại tỉnh Thái Bình

(Chinhphu.vn) - Đoàn công tác của Văn phòng Chính phủ (VPCP) do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn làm Trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Thái Bình để nắm bắt tình hình phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt những khó khăn, vướng mắc của địa phương, trên cơ sở đó, báo cáo Chính phủ có cơ chế, chính sách tháo gỡ sớm nhất.

12/05/2023 14:15
Đoàn công tác VPCP nắm bắt khó khăn, vướng mắc tại tỉnh Thái Bình - Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn đi khảo sát thực tế tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình đoạn qua địa phận tỉnh Thái Bình - Ảnh: VGP/Gia Huy

Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023, sau khi làm việc với tỉnh Nam Định, Ninh Bình, sáng 12/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn và Đoàn công tác đã đi khảo sát và làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu.

Nắm bắt khó khăn, vướng mắc về các dự án giao thông trọng điểm

Trong sáng 12/5, Đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế tuyến cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình đoạn qua địa phận tỉnh Thái Bình. 

Sau khi khảo sát, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình. Cùng chủ trì cuộc làm việc có Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho biết, trước những khó khăn của quý I/2023, Chính phủ tập trung chỉ đạo, điều hành, ban hành nhiều Quyết định, Công điện, văn bản để chỉ đạo điều hành, trong đó tập trung vào một số trọng tâm như: Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đôn đốc các dự án, công trình trọng điểm quốc gia; gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; trình cấp có thẩm quyền xem xét giảm thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất, thuế trước bạ; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… Từ những chỉ đạo này, tháng 4/2024, các cân đối lớn được bảo đảm, nhiều chỉ số khởi sắc, tuy nhiên, tình hình trước mắt vẫn có nhiều khó khăn, thách thức. 

Với quan điểm bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, chủ động, kịp thời có giải pháp chỉ đạo, điều hành để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tiếp tục thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội các địa phương và cả nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 238/CĐ-TTg ngày 10/4/2023 và Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 22/4/2023 phân công các Thành viên Chính phủ trực tiếp làm việc với các địa phương.

Vì vậy, Đoàn công tác của VPCP đã đi khảo sát thực tế tại tuyến cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình đoạn qua tỉnh Thái Bình để nắm bắt những khó khăn vướng mắc trong đầu tư xây dựng các công trình, dự án giao thông trọng điểm của tỉnh Thái Bình.

Trong cuộc họp sáng nay, Đoàn công tác làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình nghe báo cáo, trao đổi về những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược, xuất nhập khẩu và các giải pháp, đề xuất kiến nghị với cấp có thẩm quyền.

Đoàn công tác VPCP nắm bắt khó khăn, vướng mắc tại tỉnh Thái Bình - Ảnh 2.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn phát biểu tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Gia Huy

Đẩy mạnh triển khai dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng

Theo UBND tỉnh Thái Bình, trong quý I/2023, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh cơ bản ổn định và đạt được một số kết quả tích cực. Tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn đạt trên 14.696 tỷ đồng, đạt 21% kết hoạch và tăng 8,26% so với cùng kỳ năm 2022; khu vực công nghiệp, dịch vụ, nông lâm, thủy sản đều tăng trưởng.

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 tỉnh Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ giao là 4.909,9 tỷ đồng; tổng kế hoạch vốn địa phương phân bổ là trên 7.848 tỷ đồng. Kết quả giải ngân của tỉnh đạt kết quả khá, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Đến hết tháng 4/2023, tỉnh ước giải ngân đạt 1.475 tỷ đồng, đạt trên 30% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.

Về tình hình đầu tư công, xây dựng hạ tầng, tỉnh tập trung vào các dự án trọng điểm có sức lan tỏa cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Tại Công văn số 3777/TTg-CN ngày 09/5/2023 Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Thái Bình làm cơ quan có thẩm quyền triển khai Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng (CT.08), đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức PPP; việc triển khai thực hiện dự án tuyến đường cao tốc CT08 sẽ tạo điều kiện thuận lợi, mở rộng không gian phát triển kinh tế xã hội khu vực phía Nam Đồng bằng sông Hồng nói chung và tỉnh Thái Bình nói riêng.

Tỉnh Thái Bình hiện đang tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhất là dự án trọng điểm của tỉnh. Theo đó, việc triển khai dự án tuyến cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng (CT.08) được chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt.

Tỉnh Thái Bình xác định đẩy nhanh tiến độ thực hiện và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị. UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương.

Lãnh đạo UBND tỉnh thường xuyên theo dõi, chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra thực tế để nắm tiến độ, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, nhất là các dự án trọng điểm có sức lan tỏa cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương (tuyến đường bộ ven biển; đường Thái Bình-Cầu Nghìn, các tuyến đường trục trong Khu kinh tế; tuyến đường 223 đi cầu Sa Cao...).

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Thái Bình nêu 15 kiến nghị liên quan các nhóm nội dung sử dụng đất của tỉnh; dự án nhà ở; việc thu hồi đất để thực hiện các dự án thương mại dịch vụ, dự án xây dựng các khu chức năng của các khu kinh tế; về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; đề nghị tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án PPP trên địa bàn…

Đoàn công tác VPCP nắm bắt khó khăn, vướng mắc tại tỉnh Thái Bình - Ảnh 3.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình - Ảnh: VGP/Gia Huy

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn bày tỏ ấn tượng với kết quả tích cực trên các mặt phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Thái Bình với tăng trưởng kinh tế GRDP quý I/2023 đạt 8,26% (đứng thứ 4/11 địa phương vùng Đồng bằng Sông Hồng và đứng thứ 11 cả nước); cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp xây dựng, dịch vụ đều có sự tăng trưởng khá…

Qua khảo sát, Đoàn công tác nhận thấy tỉnh đã tập trung thúc đẩy và triển khai các dự án xây dưng hạ tầng trọng điểm của tỉnh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị tỉnh tập trung hơn nữa vào các công trình giao thông trọng điểm, đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án, trong đó đặc biệt quan tâm đến dự án đường cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng. 

Đối với tuyến cao tốc này, Thủ tướng đã giao UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức PPP (đoạn qua Ninh Bình sử dụng vốn đầu tư công của tỉnh Ninh Bình).

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhận định, với điều kiện của tỉnh Thái Bình về các khu công nghiệp và việc hoàn thiện các tuyến đường bộ, cao tốc sắp tới sẽ thuận lợi cho tỉnh thu hút đầu tư. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp; sớm hoàn thành quy hoạch tỉnh để trình Chính phủ... 

Gia Huy