Đây là nội dung trao đổi tại Diễn đàn Kinh tế 2023: 'Cùng DN vượt sóng’ do Tạp chí Diễn đàn DN (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) tổ chức chiều 17/11.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, bất chấp những bất ổn của thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục hồi phục mạnh mẽ. Sự phục hồi ấn tượng của Việt Nam sau đại dịch COVID-19 được các tổ chức quốc tế và truyền thông nước ngoài ghi nhận.
Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng "đáng kinh ngạc" 13,7% trong quý III so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam lên 7,2%, tăng đáng kể so với mức dự báo 5,3% đưa ra 4 tháng trước đó. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2022, cao nhất Đông Nam Á.
Để đạt được kết quả tích cực này là nhờ Chính phủ đã triển khai quyết liệt Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, đẩy mạnh Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực hỗ trợ và tạo thuận lợi cho người dân và DN vượt qua thời điểm khó khăn. Đảng ta đã sâu sát, kịp thời đề ra các định hướng, quyết sách lớn và thúc đẩy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị quyết liệt thực hiện các mục tiêu đề ra.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, để có được sự phát triển như vậy không thể không nhắc đến sức đóng góp và sự sáng tạo không biết mệt mỏi của DN. Tuy vậy, những sai phạm của một bộ phận nhỏ DN vừa qua cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế của khu vực này.
Hơn thế, dù khu vực DN đông về số lượng, nhưng quy mô và tiềm lực không mạnh, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Thời gian qua, Chính phủ luôn quan tâm và có các chương trình giải pháp trọng tâm hỗ trợ DN chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững, VCCI đã nhất trí với việc cần phải có nghị quyết riêng về phát triển DN cho cả nhiệm kỳ.
Dưới góc độ ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, thời gian tới, dự báo ngành ngân hàng sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Mặt bằng lãi suất huy động của một số tổ chức tín dụng tăng cao, ảnh hưởng hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ DN theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước…
Đề xuất giải pháp hỗ trợ DN tiếp cận vốn tín dụng, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, cần thiết lập, xây dựng một hệ thống giải pháp chính sách phù hợp, mạnh mẽ cho DN. Cần đẩy nhanh tiến độ các luật đang được sửa đổi, hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới (như P2P Lending, Fintech, trung tâm kinh doanh thương mại, tiền kỹ thuật số, giao dịch xuyên biên giới, cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu…), cũng như thúc đẩy phối hợp giữa các bộ, ngành để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số nền kinh tế.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu cấp quốc gia, đặc biệt là dữ liệu dân cư và có cách thức khai thác hiệu quả vào các hoạt động ngân hàng, tài chính. Xem xét có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các ngân hàng thương mại tích cực giảm lãi suất cho DN, đặc biệt là các DN thuộc lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ…
Ông Nguyễn Trọng Đường - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý DN, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, trong bối cảnh cắt giảm chi phí, DN vẫn nên áp dụng chuyển đổi số nhằm thích ứng tốt hơn với trạng thái bình thường mới và sớm vượt qua khủng hoảng.
"Kinh nghiệm cho thấy, những DN có áp dụng công nghệ số, chuyển đổi số khi gặp khủng hoảng, họ cũng suy yếu nhưng có khả năng phục hồi nhanh hơn, đồng thời, sau khủng hoảng họ đã lấy lại tốc độ tăng trưởng với tỉ suất lợi nhuận trên tổng doanh thu cao hơn. Những DN dù rất lớn mạnh, nhưng không chuyển đổi số có thể khả năng phục hồi chậm hơn và sau khủng hoảng rất khó để đạt được trạng thái đã có trước đó. Riêng những DN nhỏ không có khả năng chuyển đổi số sẽ bị rơi vào tầng rất sâu và khó bật trở lại. Cắt giảm chi phí là cần thiết nhưng không phải cắt tất cả, chúng ta cần phải chi tiêu cho chuyển đổi số", ông Nguyễn Trọng Đường phân tích.
Ông Nguyễn Hồng Long – Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN tổng hợp một số khó khăn của nền kinh tế, của DN trong năm 2023 cũng như những cơ hội đặc biệt để DN bứt phá trong năm tới.
Cụ thể, từ quý IV/2022, nền kinh tế nước ta chịu những tác động của tình hình địa chính trị thế giới. Lường trước những thách thức của kinh tế toàn cầu, Chính phủ có chính sách điều hành kinh tế phù hợp, trong đó có 2 chính sách quan trọng là chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá nhưng để vượt qua thách thức, khó khăn trên cần có vai trò chủ động của DN trong việc phát huy nội tại để chống đỡ với những "đợt sóng".
Ông Nguyễn Hồng Long cho biết, trong năm tới, kịch bản điều hành sẽ hướng tới những giải pháp trọng yếu.
Thứ nhất, cơ quan quản lý sẽ duy trì cải cách gắn với phục hồi và củng cố ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế; theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát, thị trường thế giới, khu vực, trong nước, kịp thời nhận biết rủi ro. Điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khoá với chính sách tiền tệ và chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát.
Thứ hai, tăng cường huy động và sử dụng các nguồn lực. Trong đó, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công dự kiến được cân đối tăng thêm gần 29% trong năm 2023 để tăng tổng cầu từ phía Chính phủ hỗ trợ cho nền kinh tế, góp phần dẫn dắt, kích thích đầu tư tư nhân. Có chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển, hoàn thiện cơ chế tạo động lực cho người dân đầu tư vốn vào các hoạt động sản xuất kinh doanh như chính sách cạnh tranh, chính sách khai thác nguồn lực dữ liệu.
"Khó khăn là điều không thể bàn cãi nhưng rõ ràng, những khó khăn đang hiện hữu sẽ khiến DN có thêm nhiều sự sáng tạo", ông Nguyễn Hồng Long nói.
Đại diện Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN tổng hợp một số điểm nhấn, giải pháp từ các chuyên gia, DN đã trao đổi.
Theo đó, DN cần dự trù kế hoạch kinh doanh năm 2023, theo sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước đang là một trong những giải pháp mà nhiều DN linh hoạt áp dụng. Tái cơ cấu cả về chiến lược, cơ cấu tổ chức, hoạt động, tài chính và quản trị DN nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng trưởng về tài sản, minh bạch tài chính.
Phân tích vĩ mô, ông Nguyễn Hồng Long cho rằng, lạm phát xảy ra ở các thị trường trọng yếu, thị trường Mỹ, EU giảm sức mua cũng có thể xem đây là thời điểm thích hợp để các DN tái cấu trúc, đầu tư sản xuất theo mô hình xanh hóa, đón đầu thị trường dệt may thế giới ngày càng chú trọng các tiêu chuẩn phát triển bền vững.
Thứ ba, khi đẩy mạnh chuyển đổi số, DN càng thích ứng tốt hơn thì dễ vượt qua khủng hoảng hơn. Khủng hoảng cũng tạo không gian cho các hoạt động kinh tế mới phát triển một cách bền vững như kinh tế chia sẻ, kinh tế số (thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kỹ năng lao động gắn với số hoá góp phần tăng năng suất lao động.
‘Hơn lúc nào hết các DN cần chủ động tiếp cận thông tin về các gói tín dụng, quy định về vay vốn; nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật, quy chế cho vay; tăng cường mở rộng hợp tác, liên kết với các DN trong và ngoài nước’, ông Nguyễn Hồng Long nói.
Anh Minh