In bài viết

Doanh nghiệp cần 'dòng chảy' pháp luật ổn định để đầu tư lâu dài

(Chinhphu.vn) - Đối với các dự án đầu tư lớn, thực hiện trong thời gian dài, các nhà đầu tư luôn đòi hỏi tính ổn định và khả năng dự đoán của môi trường pháp lý để quyết định liệu có đầu tư hay không. Rủi ro pháp lý cao đồng nghĩa với hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp kém thuận lợi.

04/04/2023 17:56
Doanh nghiệp cần 'dòng chảy' pháp luật ổn định để đầu tư lâu dài - Ảnh 1.

Hội thảo công bố báo cáo "Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2022", do VCCI tổ chức ngày 4/4 tại Hà Nội - Ảnh: VGP/HT

DN 'sợ'... phanh gấp

Phát biểu khai mạc Hội thảo công bố báo cáo "Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2022", do VCCI tổ chức ngày 4/4 tại Hà Nội, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh: Thượng tôn pháp luật là yêu cầu bắt buộc, nhưng cách ban hành, cách thực thi chính sách thế nào là điều vô cùng quan trọng. 

Hiện nay, các DN, nhất là DN có quy mô lớn như những con tàu, không thể phanh gấp được. Do vậy, nên giảm rủi ro pháp lý bằng cách không có thay đổi đột ngột, cực đoan trong ban hành và thực thi chính sách. Đặc biệt, cần tăng cường tham vấn, lấy ý kiến DN khi soạn thảo các văn bản pháp luật, các quy hoạch và cam kết quốc tế có liên quan. Đồng thời, cần thực hiện tốt hơn công tác cung cấp thông tin chính sách, pháp luật... góp phần tạo thuận lợi hơn cho môi trường đầu tư kinh doanh cho DN trong thời gian tới.

"Để đạt được mục tiêu và khát vọng kinh tế đặt ra cho năm 2030, 2045, thì phải hình thành được một số tập đoàn, DN công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Để làm được điều này đòi hỏi môi trường đầu tư kinh doanh phải rất ổn định, đặc biệt là giảm các rủi ro pháp lý, tăng cường sự ổn định và khả năng dự đoán được của pháp luật có liên quan đến kinh doanh", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Báo cáo "Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2022" của VCCI công bố cho thấy, trong năm 2022, hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật ở nước ta có một số "dòng chảy" chính, như: Các chính sách ứng phó với những tác động của kinh tế thế giới hợp lý và khá linh hoạt; các chính sách liên quan đến hỗ trợ, phục hồi sau đại dịch tiếp tục được thúc đẩy, đã góp phần giúp DN vượt qua khó khăn; các chính sách liên quan đến nền tảng số tiếp tục được hoàn thiện; hoạt động cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ tiếp tục được thúc đẩy…

Tuy nhiên, bên cạnh việc rất nhiều thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ đã được cắt giảm, đơn giản hóa, DN vẫn còn những băn khoăn về tính thực chất của hoạt động này. Vẫn còn nhiều quy định vướng mắc, gia tăng chi phí kinh doanh một cách bất hợp lý cho DN. Vẫn còn thiếu vắng trong các phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa chi phí tuân thủ.

Doanh nghiệp cần 'dòng chảy' pháp luật ổn định để đầu tư lâu dài - Ảnh 2.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI - Ảnh: VGP/HT

Bên cạnh đó, thời gian qua có những vấn đề phát sinh cần nhìn nhận lại cơ chế quản lý và hoàn thiện chính sách, như: Hoạt động đấu giá đất và bỏ cọc của DN trúng đấu giá, hay các vi phạm trong phát hành trái phiếu riêng lẻ. Những hoạt động này đã tác động rất lớn đến nền kinh tế và ảnh hưởng khác lớn đến môi trường đầu tư kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế VCCI), báo cáo này của VCCI chỉ rõ, việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính năm 2022 "có tinh thần cải cách, nhưng vẫn nhiều điều băn khoăn về tính thực chất". Theo đó, các vấn đề về cải cách thủ tục tập trung chủ yếu ở việc bãi bỏ các tài liệu trong hồ sơ mà cơ quan cấp phép đã có và/hoặc tra cứu được trong hệ thống dữ liệu thông tin của cơ quan Nhà nước, bổ sung phương thức điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính, có rút ngắn thời gian xem xét tính hợp lệ của hồ sơ, thời gian thẩm định và trả kết quả.

"Những đề xuất cắt giảm này vẫn chưa đủ, vì còn khá nhiều quy định bất cập, vướng mắc, gây khó cho DN", chuyên gia của VCCI nhận định.

Căn cứ thêm khảo sát từ đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), ông Nguyễn Minh Đức cho biết, tỉ lệ DN có thể dự đoán được sự thay đổi trong quy định pháp luật của Trung ương có xu hướng giảm dần. 10 năm trước, vào năm 2013, tỉ lệ DN dự đoán được là khoảng 14,29%, nhưng vài năm gần đây chưa đến 5%.

Tuy nhiên, cũng có điểm đang lưu ý là tỉ lệ DN cho rằng công việc đạt kết quả mong đợi khi trả chi phí không chính thức đang giảm dần. Nếu như 10 năm trước, tỉ lệ DN tin là dùng tiền là được việc ở mức trên 63%, vài năm gần đây còn khoảng 55,2%...

Lắng nghe ý kiến DN đầy đủ hơn trong quá trình xây dựng pháp luật 

Theo VCCI, không thể đòi hỏi một hệ thống pháp luật đứng yên mãi mãi. Pháp luật vẫn phải điều chỉnh khi các điều kiện xã hội thay đổi, hoặc khi phát hiện ra các bất cập, vướng mắc. Nhưng hệ thống pháp luật cũng không thể thay đổi liên tục. Trong trường hợp buộc phải thay đổi, các giải pháp luôn cần tìm điểm cân bằng giữa việc duy trì tính ổn định để tạo lập niềm tin kinh doanh và việc điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tiễn.

Việc giảm rủi ro pháp lý không chỉ có tác động đến sự dịch chuyển ngành nghề, lĩnh vực đầu tư của kinh tế tư nhân, mà còn giúp các DN này sẵn sàng đầu tư mạnh mẽ hơn để xây dựng nhà xưởng kiên cố, mua sắm máy móc hiện đại, đầu tư cho nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển (R&D) và xây dựng thương hiệu lâu dài.

Doanh nghiệp cần "dòng chảy" pháp luật  ổn định để đầu tư lâu dài - Ảnh 3.

TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) - Ảnh: VGP/HT

TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, cải cách môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ duy trì thường xuyên và liên tục. 

Cách làm này đã tạo áp lực cho bộ máy điều hành từ Trung ương xuống địa phương phải nỗ lực thực hiện. 

Đồng thời, cũng tạo động lực thi đua giữa các địa phương, nhằm có những chuyển biến đột phá trong quản trị, điều hành. Tuy vậy, các kết quả cải cách vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư, DN. Gánh nặng chính sách đối với DN tồn tại dưới nhiều hình thức, thể hiện qua nhiều bất cập khác nhau, có khúc mắc chưa được giải quyết, thậm chí thời gian gần đây mức độ rủi ro còn tiềm ẩn lớn hơn.

Bên cạnh những nội dung "Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh 2022 của VCCI", hội thảo cũng lắng nghe những ý kiến chia sẻ của các hiệp hội DN, các chuyên gia xung quanh vấn đề môi trường pháp lý trong hoạt động kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam chia sẻ: Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2022 đối với ngành vận tải ô tô vẫn còn nhiều ghềnh thác và những khúc quanh, rất cần được xử lý giải quyết kịp thời.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) nhận định, năm 2022 là một năm đỉnh điểm của việc hoàn chỉnh, sửa đổi biên soạn lại hệ thống luật pháp của nước ta. Hàng loạt các luật tác động trực tiếp vào sự phát triển kinh tế được chỉnh sửa, biên soạn lại, như Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Bảo vệ người tiêu dùng…

Doanh nghiệp cần 'dòng chảy' pháp luật ổn định để đầu tư lâu dài - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC - Ảnh: VGP/HT

Việc quyết định chỉnh sửa, biên soạn lại hàng loạt các đạo luật quan trọng chỉ rõ một điểm: Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã nhìn thấy rõ sự bất cập, cản trở của hàng rào pháp lý đối với sự phát triển của nền kinh tế nói chung và hoạt động của các DN nói riêng. 

Có thể nói, riêng lĩnh vực đầu tư bất động sản, có khoảng 12 luật tác động trực tiếp vào các hoạt động trong lĩnh vực này. Vấn đề là các luật lại đưa ra những ý kiến xử lý không đồng nhất, nên các dự án, các DN và các cơ quan hành pháp thụ lý gặp khó khi chưa thống nhất phải xử lý thế nào trong những trường hợp chồng chéo này.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp phân tích: Hiện nay các luật đều được ban hành soạn thảo của từng bộ chuyên ngành phụ trách. Ví dụ: Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo; Luật Đất đai do Bộ Tài nguyên và Môi trường soạn thảo…

 Với sự phân công đó sẽ rất khó cho các ban soạn thảo có thể nắm được những điểm bất hợp lý, mâu thuẫn từ các luật khác nhau.

"Chúng tôi cho rằng, công tác rà soát, thông qua của cơ quan chuyên trách rất cần những chuyên gia thành thạo về pháp lý, nắm vững nội dung của các luật liên quan để tham mưu cho Quốc hội trong quá trình phê duyệt tránh sự mâu thuẫn chồng chéo. Cần có thêm kênh thông tin để tiếng nói của các DN đến được các nhà hoạch định chính sách một cách đầy đủ hơn. Hy vọng là các luật mới sẽ giải quyết hài hoà các lợi ích để dòng chảy pháp luật sẽ tạo ra sức mạnh mới cho cả nền kinh tế", ông Nguyễn Quốc Hiệp kỳ vọng.

Huy Thắng