Đây là nội dung được nhấn mạnh tại Hội thảo doanh nghiệp (DN) về chuyển đổi xanh, tài chính xanh hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 tổ chức ngày 11/4.
Hội thảo do Bộ Tài nguyên và Môi trường và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VBCSD-VCCI) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), thông qua Dự án hỗ trợ kỹ thuật "Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định tại Việt Nam (Dự án SPI-NDC) tổ chức.
Đại diện các DN tiêu biểu đánh giá cao những nỗ lực không ngừng của Chính phủ Việt Nam nhằm tạo lập môi trường chính sách thuận lợi hơn, với các quy định hướng dẫn giảm phát thải khí nhà kính đang tiếp tục được cập nhật, cũng như tình hình quốc tế đang diễn ra hết sức năng động, các triển vọng trong tương lai, đồng thời cho thấy nỗ lực của khối DN trong việc giảm phát thải khí nhà kính thông qua các ví dụ điển hình cụ thể.
Ông Nguyễn Tuấn Quang – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh: Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng bằng "0" tại COP 26, tham gia tuyên bố chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), cam kết thu hút các dòng tài chính xanh để phát triển năng lượng tái tạo, phát triển carbon thấp… Để thực hiện các cam kết này, Chính phủ đã nỗ lực thực hiện các giải pháp bằng các hành động thiết thực.
Đại diện các nhà quản lý DN hàng đầu Việt Nam đã cho thấy rõ vai trò và minh chứng cụ thể về những nỗ lực liên tục của cả cộng đồng DN tại Việt Nam.
Ông Fukuda Koji, Cố vấn Trưởng, Dự án JICA SPI-NDC, trình bày xu hướng quốc tế về chuyển đổi xanh và tác động đến cộng đồng DN
Cụ thể, ông Koji đã nhấn mạnh vai trò và nỗ lực của các tổ chức tài chính nhằm mở rộng danh mục đầu tư xanh và giảm phát thải khí nhà kính đối với các khoản đầu tư, tài chính trợ vốn, ở cả quy mô toàn cầu và trong nước, cũng như cách tiếp cận chiến lược của các tổ chức này nhằm đạt được sự bền vững và tài chính chuyển đổi tại Việt Nam.
Còn ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng DN vì sự phát triển bền vững (VBCSD) thuộc VCCI nhấn mạnh: Chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững đã trở thành điều kiện cần và đủ để chính mỗi DN nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng chống chịu và có thể đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế đang ngày một quan tâm hơn đến các vấn đề môi trường, xã hội, quản trị bền vững.
Trong thời gian tới, VBCSD sẽ ưu tiên xây dựng và vận hành các nhóm công tác về chuyển đổi xanh, tài chính xanh, từ đó nhân rộng mạnh mẽ hơn các mô hình kinh doanh bền vững và đóng góp thêm các kiến nghị chính sách nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ cho phát triển bền vững DN.
Còn ông Naoki Ikenoya, đại diện Văn phòng JICA Việt Nam khẳng định, JICA sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ cũng như khu vực tư nhân để tăng cường hiệu quả hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam.
Đại diện Bộ Tài chính cũng trình bày về chính sách phát triển thị trường vốn, trái phiếu xanh. Tháng 6/2022 EVNFinance đã phát hành đợt trái phiếu xanh đầu tiên (EVNFinance Green Bond), có giá trị 1.725 tỷ đồng (tương đương 75 triệu USD) và được bảo lãnh một phần bởi GuarantCo– Tổ chức tín dung quốc tế.
Năm 2022, Vingroup phát hành 425 triệu USD trái phiếu bền vững có quyền chọn nhận cổ phiếu của Vinpearl. Tháng 10 năm 2023, Ngân hàng BIDV phát hành thành công trái phiếu xanh theo nguyên tắc của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế (ICMA) tại thị trường trong nước. Số tiền 2.500 tỷ đồng thu được sử dụng cho dự án xanh phù hợp với khung trái phiếu xanh của BIDV.
Việc phát hành trái phiếu xanh thực hiện theo quy định pháp luật về phát hành trái phiếu, Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 08/2022/NĐ-CP, bao gồm hạch toán, theo dõi nguồn tiền thu được, cung cấp và công bố thông tin...
Trước đó, tại Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam 2024, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho hay: Việt Nam đã có chuyển dịch năng lượng tích cực, trong đó năng lượng tái tạo chiếm khoảng 27,1% trong tổng công suất và 13,7% về sản lượng trong hệ thống điện toàn quốc. So với mục tiêu đề ra đến năm 2030 đạt khoảng 15-20% và năm 2045 đạt khoảng 25-30% trong Nghị quyết số 55-NQ/TW, công suất các nguồn năng lượng tái tạo có thể đạt được.
Tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam đến cuối năm 2023 đạt 16,5%. Tín dụng xanh tăng trưởng 20%/năm từ năm 2017 đến nay và chiếm gần 4,5% dư nợ của nền kinh tế năm 2023. Giai đoạn 2019-2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh.
Việt Nam đã có các nghị quyết, chủ trương chung về phát triển nhanh, bền vững, về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021- 2030 thông qua tại Đại hội XIII cũng như đề cập rất rõ trong các nghị quyết của Đảng. Chính phủ cũng ban hành các chiến lược như Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanhh; Chiến lược Biến đổi khí hậu; Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh; Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; triển khai hàng loạt các kế hoạch, đặc biệt trong đó là Quy hoạch điện VIII về năng lượng.
Anh Minh