In bài viết

Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ra thế giới: Cơ hội và thách thức

(Chinhphu.vn) - Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đẩy mạnh đầu tư, mở rộng thị trường ra nước ngoài, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị “Đưa doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ra thế giới - Cơ hội và thách thức”.

17/10/2024 18:52
Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ra thế giới: Cơ hội và thách thức- Ảnh 1.

Các nhà lãnh đạo và chuyên gia đều có nhận định rằng, các doanh nghiệp công nghệ số Việt đang có dư địa lớn để đầu tư ra nước ngoài - Ảnh: VGP/HM

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ TT&TT cho biết, thông qua các chính sách đầu tư hấp dẫn, đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghệ và thông tin ở nước ta thời gian gần đây đã ghi nhận mức tăng trưởng nhanh.

Tuy nhiên, tỷ trọng của ngành này còn rất nhỏ. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn dư địa để tiếp tục phát triển và thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai gần.

Lãnh đạo Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông cũng chia sẻ, Việt Nam có khoảng 1,5 triệu lao động, trong đó có gần 500.000 kỹ sư. Cơ cấu ngành công nghiệp CNTT Việt Nam năm 2023, có khoảng 63% doanh nghiệp làm về phần cứng, điện tử, 17% doanh nghiệp làm về phần mềm, 14% doanh nghiệp làm về buôn bán, phân phối CNTT…

Bên cạnh đó, khoảng 70% trên tổng số trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam cũng đang đào tạo nhóm ngành CNTT. Các trường đại học, cao đẳng đào tạo CNTT cũng bổ sung các chuyên ngành mới với xu hướng công nghệ toàn cầu như trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng. Điều này cũng giúp tăng chất lượng và nguồn cung của nhân lực công nghệ thông tin có tay nghề cao ở nước ta.

Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, Việt Nam đang có 1.772 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký 22,12 tỷ USD, đầu tư sang 81 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Bên cạnh các địa bàn đầu tư truyền thống, đầu tư ra nước ngoài đang dần dịch chuyển sang các nước phát triển như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... Ngoài các lĩnh vực đầu tư truyền thống, đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ, sản xuất công nghiệp, các ngành có hàm lượng kỹ thuật hiện đại cũng đang có xu hướng gia tăng.

Đặc biệt, Việt Nam có 223 dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, với tổng vốn đăng ký 2,84 tỷ USD, chiếm 13% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài.

Nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước, ông Nguyễn Thanh Tuyên cho biết, Bộ TT&TT đang dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. 

Dự thảo này được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển ngành công nghiệp công nghệ số với trọng tâm là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, từ đó góp phần xây dựng Chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số.

Dự thảo cũng nhằm thúc đẩy thông minh hóa các ngành công nghiệp thông qua việc đưa công nghệ số thâm nhập vào các ngành, lĩnh vực, mang lại các giá trị mới, tạo ra cuộc cách mạng về thông minh hoá.

Cũng tại khuôn khổ Hội nghị, các nhà lãnh đạo và chuyên gia đều có nhận định rằng, các doanh nghiệp công nghệ số Việt đang có dư địa lớn để đầu tư ra nước ngoài, do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực chuyển đổi số và thương mại điện tử thông qua ký kết thêm các biên bản ghi nhớ với các tổ chức xúc tiến thương mại, đối tác lớn trên thế giới.

Đồng thời, tận dụng các nguồn lực quốc tế nhằm hỗ trợ hoạt động trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực về chuyển đổi số và thương mại điện tử cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin…

HM