In bài viết

Doanh nghiệp Việt tăng tốc hội nhập số tại hội chợ thương mại điện tử toàn cầu

(Chinhphu.vn) - Tiếp nối thành công từ việc tham gia Hội chợ Thương mại điện tử toàn cầu lần thứ 3 tại Hàng Châu, Trung Quốc năm 2024, Việt Nam sẽ tiếp tục hiện diện tại một trong những sự kiện thương mại số lớn nhất châu Á trong năm 2025.

17/07/2025 10:15
Doanh nghiệp Việt tăng tốc hội nhập số tại hội chợ thương mại điện tử toàn cầu- Ảnh 1.

Hội chợ Thương mại điện tử toàn cầu lần thứ 3 tại Hàng Châu, Trung Quốc năm 2024

Sau dấu ấn mạnh mẽ tại Hội chợ Thương mại điện tử toàn cầu lần thứ 3 (GDTE 2024), Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) sẽ tiếp tục tổ chức Đoàn doanh nghiệp tham gia Hội chợ Thương mại điện tử toàn cầu lần thứ 4 (GDTE 2025), diễn ra từ ngày 23 đến 29 tháng 9 năm 2025 tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc - trung tâm công nghệ số hàng đầu châu lục.

Tại GDTE 2024, khu gian hàng quốc gia Việt Nam đã thu hút sự chú ý mạnh mẽ với loạt sản phẩm công nghệ số, giải pháp phần mềm, nền tảng thương mại điện tử và dịch vụ logistics xuyên biên giới. Nhiều doanh nghiệp Việt đã có cơ hội tiếp cận các tập đoàn lớn của Trung Quốc và quốc tế, thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác công nghệ, xuất khẩu dịch vụ và đầu tư.

Theo báo cáo của các doanh nghiệp Việt Nam sau khi tham gia chương trình, hơn 70 cuộc giao thương trực tiếp đã được ghi nhận, trên 90% doanh nghiệp đã tìm được đối tác giao thương, trao đổi thông tin và thiết lập mối quan hệ hợp tác. Tại đây, 95% doanh nghiệp tham gia đoàn giao thương đề xuất Cục Xúc tiến thương mại xem xét tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại định kỳ, đặc biệt là các đoàn xúc tiến thương mại tại Trung Quốc và các nước trong khu vực ASEAN, nhằm tạo cơ hội kết nối và hợp tác lâu dài.

Có thể thấy, đây là dịp để các doanh nghiệp học hỏi, tìm kiếm, kết nối và mở rộng mạng lưới đối tác với các doanh nghiệp Trung Quốc - thị trường lớn và đầy tiềm năng trong lĩnh vực thương mại số. Hội chợ còn tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận các công nghệ mới, các giải pháp số tiên tiến trong lĩnh vực thương mại điện tử, logistics thông minh, quản lý chuỗi cung ứng số hóa, thanh toán trực tuyến và bảo mật. Tham gia chương trình đã giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng mạng lưới khách hàng, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển thị trường.

Với mục tiêu kế thừa và mở rộng kết quả từ năm trước, khu gian hàng quốc gia Việt Nam tại GDTE 2025 sẽ có quy mô khoảng 180m², quy tụ từ 15 - 20 doanh nghiệp tiêu biểu trong các lĩnh vực công nghệ và thương mại điện tử.

Các nhóm ngành hàng trọng điểm bao gồm: Các sản phẩm dịch vụ về công nghệ thông tin và chuyển đổi số; thiết kế và sản xuất chíp, phần mềm nhúng và các giải pháp phần mềm công nghiệp; trò chơi điện tử và thể thao điện tử (E-sports); thương mại điện tử và nền tảng dịch vụ; các sản phẩm kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử; dịch vụ logistics phục vụ kinh doanh các sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử; các sản phẩm ứng dụng công nghệ số vào kỹ thuật sinh học và dược phẩm sinh học; y tế số và công nghệ y tế; năng lượng xanh và công nghệ môi trường; ô tô thông minh và xe năng lượng mới.

Việc tham gia GDTE 2025 không chỉ là cơ hội quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ đến hàng chục nghìn khách tham quan và đối tác quốc tế, mà còn là bước đệm chiến lược để doanh nghiệp Việt xâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua các nền tảng thương mại điện tử và công nghệ số.

Anh Thơ