In bài viết

Doanh nhân kiều bào mong muốn đầu tư vào công nghiệp bán dẫn Việt Nam

(Chinhphu.vn) - Ngoài hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa Việt Nam tới hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, kiều bào còn mong muốn đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn, các dự án phát triển, đào tạo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số… của Việt Nam.

17/03/2024 09:30
Doanh nhân kiều bào mong muốn đầu tư vào công nghiệp bán dẫn Việt Nam- Ảnh 1.

Họp báo về tình hình hoạt động của Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài - Ảnh: VGP/Hoàng Hạnh

Đây là thông tin được ông Nguyễn Hồng Huệ (Peter Hồng), Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài chia sẻ tại cuộc họp báo về tình hình hoạt động của Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài tổ chức ngày 16/3 tại TPHCM.

Được xác định là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bền vững về công nghiệp bán dẫn, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành một cứ điểm sản xuất chip tầm cỡ khu vực. Điểm yếu về vốn và nhân lực sẽ phần nào được bổ khuyết nhờ đầu tư về chất xám và nguồn lực tín dụng từ 6 triệu kiều bào người Việt khắp nơi trên thế giới.

Theo ông Nguyễn Hồng Huệ, hiện số lượng hội viên trẻ tuổi (độ tuổi từ 30 đến 45) trong Hiệp hội rất đông đảo, chiếm 61%. Thế mạnh của thế hệ doanh nhân kiều bào trẻ chính là năng lực khai thác, đầu tư các ngành công nghệ cao và mới nổi như fintech, blockchain, sử dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) trong các hoạt động.

Doanh nhân kiều bào mong muốn đầu tư vào công nghiệp bán dẫn Việt Nam- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Hồng Huệ (Peter Hồng), Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho biết, doanh nhân kiều bào mong muốn đầu tư vào công nghiệp bán dẫn Việt Nam - Ảnh: VGP/Hoàng Hạnh

Cũng theo ông Huệ, tại Silicon Valley (Mỹ), có khoảng 50.000 người Việt làm trong lĩnh vực công nghệ, trong đó có một số lượng đáng kể làm về vi mạch bán dẫn. Tại các công ty trên thế giới, người Việt tham gia vào tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất bán dẫn từ nghiên cứu thiết kế chip tới nghiên cứu vật liệu bán dẫn. Trong vài năm gần đây, nhiều kỹ sư Việt Nam đã từ nước ngoài trở về làm việc cho các công ty FDI trong lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam.

Bản thân các hội thành viên của Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cũng có những hoạt động hỗ trợ đào tạo và hợp tác công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

TS. Ngô Phẩm Trân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam - Đài Loan cho biết, năm 2024 sẽ có nhiều doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đến Việt Nam đầu tư đào tạo nguồn nhân lực cho ngành điện tử và bán dẫn. Bản thân bà Trân sẽ tham mưu, cố vấn để các tập đoàn công nghệ cao Đài Loan liên kết với các cơ sở giáo dục tại Việt Nam trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, lý thuyết đi đôi với thực hành.

Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài được thành lập theo Quyết định số 373/QĐ-BNV ngày 13/3/2009 của Bộ Nội vụ.

Trong quá trình hoạt động, Hiệp hội và hội doanh nhân Việt Nam ở các nước đã tổ chức hoặc phối hợp tổ chức, tham gia các hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại do Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ NN&PTNN và các tỉnh, thành phố tổ chức với nhiều quy mô và đạt hiệu quả thiết thực, thu hút hàng trăm lượt các doanh nghiệp kiều bào và doanh nghiệp trong nước tham gia với các bản ghi nhớ hợp tác giá trị hàng trăm triệu USD.

Đặc biệt, Hiệp hội đã chủ trì tổ chức Hội nghị Kết nối doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long với các doanh nghiệp kiều bào tiềm năng tại Hoa Kỳ với tổng giá trị các thỏa thuận hợp tác gần 100 triệu USD.

Hội Doanh nhân Việt Nam tại các nước đã hợp tác thành lập, phát triển hệ thống Trung tâm xúc tiến và trưng bày, giới thiệu, xuất khẩu hàng Việt Nam, nhất là các mặt hàng nông sản chủ lực tại Hàn Quốc (2019); tại Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Lào, Nga (2020); tại Australia (2021); tại Trung Quốc (2022).

Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2023 – 2028 của Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức cuối tháng 1/2024. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Hiệp hội gồm 43 ủy viên. Ông Nguyễn Hồng Huệ được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội.

Hoàng Hạnh