Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đến dự chương trình có nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cùng gần 1.800 đại biểu kiều bào.
Tại chương trình, các kiều bào đã có được thông tin về những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; được nghe giới thiệu về định hướng phát triển kinh tế-xã hội của TPHCM trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Cũng tại đây, lãnh đạo TPHCM lắng nghe nhiều ý kiến, hiến kế góp ý của kiều bào.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, kiều bào Australia, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn cầu (Meet More Coffee) cho biết, hiện còn có ngành mà Việt Nam đang có lợi thế nhưng không có được chỗ đứng trên thị trường quốc tế, đó nông sản.
Theo ông Luận, tất cả các sản phẩm nông sản của Việt Nam muốn tạo được chỗ đứng trên thị trường quốc tế thì phải có sự khác biệt và để có sự khác biệt thì phải đầu tư vào chế biến sâu. Và sản phẩm nông sản Việt Nam ngoài sự khác biệt, cần có sự hỗ trợ, kết nối từ các hiệp hội, cộng đồng kiều bào để cùng quảng bá và tự hào nông sản Việt Nam.
Ông cũng bày tỏ mong muốn, Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM sẽ tạo tiền đề cho kiều bào có cơ hội cùng chung tay xây dựng và cống hiến cho TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
Còn ông Trần Đình Thắng, kiều bào Hoa Kỳ cho biết cộng đồng người Việt tại đây có 2,3 triệu người, đứng thứ 4 sau Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines.
Theo ông, tiềm năng của giới trí thức kiều bào Hoa Kỳ rất lớn, rất cần cho sự phát triển của quê hương. Ngày càng có nhiều học sinh, sinh viên tốt nghiệp tại Hoa Kỳ đã và đang làm việc tại các cơ quan nhà nước hay khối doanh nghiệp tư nhân, các công ty nước ngoài tại Việt Nam. Trong vòng từ 10-20 năm tới, những du học sinh tại Hoa Kỳ sẽ đóng góp cho sự phát triển kinh tế, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ tại Việt Nam.
Phát biểu chia sẻ với bà con kiều bào, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, năm 2023, ngoài tinh thần nỗ lực vượt khó của cả hệ thống chính trị, người dân, Thành phố đã nhận được những góp ý, hiến kế của bà con ở nước ngoài. Lượng kiều hối bà con kiều bào gửi về Thành phố đạt gần 9,5 tỷ USD (chiếm gần 50% lượng kiều hối cả nước).
"Đây là nguồn lực rất lớn, rất quý báu, góp phần để TPHCM vừa ngăn chặn đà suy giảm, vừa có thêm nguồn lực để phát triển", ông Phan Văn Mãi khẳng định.
Năm 2024, ông Mãi nhìn nhận TPHCM sẽ còn đối mặt nhiều khó khăn nhưng cũng có nhiều cơ hội phát triển, khi Thành phố đã có Nghị quyết 98 của Quốc hội.
Chia sẻ về phương hướng thời gian tới, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, Thành phố sẽ tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của TPHCM và kết nối với dữ liệu quốc gia. Đến năm 2025, TPHCM có thể điều hành công việc của nền hành chính thành phố trên nền tảng số, hướng đến xây dựng thành phố thông minh.
Cùng với đó, Thành phố sẽ phát triển các nền tảng dùng chung thống nhất từ thành phố đến cơ sở và tương tác giữa chính quyền thành phố với các cá nhân, tổ chức. Đồng thời, tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, tạo điều kiện để dần hình thành và phát triển xã hội số, kinh tế số. Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số của TPHCM chiếm tỉ trọng 25% trong GRDP của thành phố.
Trong quá trình phát triển của Thành phố, ông Phan Văn Mãi mong muốn các kiều bào tiếp tục quan tâm góp ý, đầu tư, kết nối các nguồn lực.
"Không chỉ hướng về quê hương đất nước bằng kiều hối, đầu tư trực tiếp mà chúng tôi mong muốn nhận được sự góp ý, kết nối các nguồn lực, nhất là tri thức, công nghệ của kiều bào cho sự phát triển của đất nước nói chung, TPHCM nói riêng", Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh.
Vũ Phong