Yêu từng bờ ruộng, lối mòn,
Đỏ tươi bông gạo, biếc rờn ngàn dâu.
Yêu con sông mặt sóng xao,
Dòng sông tuổi nhỏ rì rào hát ca.
Yêu hàng ớt đã ra hoa
Đám dưa trổ nụ, đám cà trổ bông.
Yêu sao tiếng mẹ ru nồng,
Tiếng thoi lách cách bên nong dâu tằm.
(Ta yêu quê ta, Lê Anh Xuân )
Bà Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức (xã Phùng Xa, huyện Mỹ Đức) cho biết, xã Phùng Xá có nghề dệt truyền thống nhưng sức lan tỏa và tiếp nối chưa được sâu rộng. Cũng giống như nhiều làng nghề truyền thống khác, nghề dệt của đất Phùng Xá đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, có những lúc tưởng chừng như mai một. Nhưng như một duyên định mệnh cùng tình yêu, tâm huyết với nghề trong việclưu giữ, phát huy truyền thống của cha ông để lại, bà Phan Thị Thuận đã tạo nên bước đột phá khi là người đầu tiên dệt lụa thành công từ tơ sen. Cùng với các sản phẩm dệt tơ truyền thống, lụa tơ sen đã đạt được chứng nhận sản phẩm OCOP của Thành phố.
Đầu năm 2023, bà Thuận đã có sản phẩm "Chăn bông tơ tằm tự dệt" được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Trung ương công nhận đạt 5 sao. Ngoài ra còn nhiều sản phẩm khác, như: Khăn lụa tơ tằm, Khăn lụa tơ sen… đã được thành phố đánh giá, phân hạng trong chương trình OCOP.
Các sản phẩm được làm thủ công, được sinh ra tự nhiên và phân hủy tự nhiên nên rất thân thiện với môi trường. Cùng đặc tính thoáng khí, mềm nhẹ, mát rượi khi chạm vào, với những tông màu mộc mạc, trang nhã được nhuộm với màu tự nhiên, an toàn tuyệt đối cho người sử dụng. Nhờ vậy thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng được mở rộng không chỉ trong nước mà còn được xuất khẩu sang nước ngoài như: Nhật Bản, Đức, một số nước thuộc khu vực Trung Đông...
Hiện Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức là đơn vị số 1 trong ngành tơ tằm Việt Nam. Đơn vị đã trải qua nhiều thế hệ gắn bó với nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa từ những bàn tay của các nghệ nhân bao đời nay, nên mỗi sản phẩm đều là sự kết hợp của sự sáng tạo, kế thừa những tinh hoa, nhiệt huyết nhất.
"Gia đình tôi làm nghề dệt từ nhiều đời, thuở lên 5, lên 6 tôi đã được bố mẹ truyền dạy và chỉ bảo tận tình theo từng công đoạn nuôi tằm, lấy kén, ươm tơ... Sau này, khi đã lập gia đình, tôi vẫn giữ nguyên tình yêu với nghề và phát triển cho đến tận bây giờ với nhiều thành công", bà Thuận chia sẻ.
Đã hơn 60 mươi năm gắn bó với nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, trải qua nhiều khó khăn, vất vả vừa lo nghiên cứu, sản xuất, vừa lo đầu ra cho sản phẩm nhưng đến nay nghề dệt tơ của Phùng Xá đã lấy lại được vị thế, khẳng định được sức sống bền bỉ như chính sợi tơ xuyên suốt hàng nghìn năm.
Đến nay, nghề dệt không chỉ xây dựng được thương hiệu cho Phùng Xá mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm hộ gia đình. Hằng năm, vào dịp hè, nghệ nhân Phan Thị Thuận lại tổ chức các lớp học nghề cho con em trong vùng, giúp thế hệ tương lai hiểu về nghề của cha ông cũng như tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Nghệ nhân Phan Thị Thuận đã rất sáng tạo khi kiên trì tìm cách "điều khiển" để cho con tằm trở thành "những người thợ dệt". Năm 2010 bà Thuận đã thành công với sáng kiến cho tằm tự dệt để cho ra những thành phẩm tơ lụa đầu tiên.
Đặc biệt, bà còn là người Việt Nam đầu tiên dệt lụa từ tơ sen. Năm 2016, có đại biểu Quốc hội về Mỹ Đức tìm người cùng tham gia đề tài nghiên cứu dệt lụa từ tơ sen. Bà vừa mừng vừa lo, vì đây chính là cơ hội cho bà thỏa sức sáng tạo và nếu thành công sẽ mang được hồn cốt của "quốc hoa" vào từng tấm lụa. Tuy nhiên, bà cũng có nhiều băn khoăn, lo lắng vì sen không phải mùa nào cũng có và để lấy được tơ sen là một quá trình khó khăn, đòi hỏi kỹ thuật tỉ mẩn, khéo léo và mất rất nhiều tâm sức.
Nhưng với quyết tâm và tình yêu với tơ lụa, nhất là với loài hoa cao quý biểu tượng của dân tộc, đến hết năm 2017, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã nghiên cứu thành công tơ sen và dệt được tơ sen vào tơ tằm. Cũng trong năm đó, tơ sen được Nhà nước cho phép đưa vào đề tài nghiên cứu cấp quốc gia do GS.TS. Nguyễn Duy Chuyên làm chủ nhiệm. Nghệ nhân Phan Thị Thuận là người cùng thực hiện đề tài. Đến năm 2018, thước lụa đầu tiên được dệt từ 100% tơ sen đã ra đời, đánh dấu thành công trong cuộc đời "se tơ dệt lụa" của nghệ nhân Phan Thị Thuận.
Năm 2016, bà được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú", Bằng khen của UBND TP. Hà Nội, Bằng khen của Bộ NN&PTNT và Bằng khen Hội Nông dân Việt Nam…
Gần đây nhất, ngày 18/10/2020, tại lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam, bà Phan Thị Thuận là một trong 10 cá nhân được trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2020, giải thưởng tôn vinh những đại diện tiêu biểu cho hàng triệu phụ nữ, hàng trăm nghìn tập thể nữ tận tụy lao động, sản xuất, học tập, nghiên cứu, sáng tạo đã và đang ngày đêm đóng góp tích cực cho sự phát triển đi lên của xã hội.
Những đóng góp ấy khiến ta nhớ đến hình ảnh đẹp đẽ mà thanh cao, luôn tỏa ngát hương của những đóa sen thơm...
"Mỗi bước chân đi lại gặp Sen
Thắp sáng đường xa những đóa đèn.
Từ bùn bật dậy niềm kiêu hãnh.
Hương Quốc Hoa mình thơm mãi tên.
Rút Tơ từ ruột se lên sợi
Dệt tấm khăn thơm đọng đất trời."
Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, lũy kế đến nay, Thành phố đã có 2.167 sản phẩm OCOP được công nhận.
Trong đó có 1.871 sản phẩm OCOP còn hiệu lực (bao gồm 6 sản phẩm 5 sao, 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.162 sản phẩm 4 sao, 692 sản phẩm 3 sao).
Với số lượng này, Hà Nội không chỉ là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP (đạt từ 3 sao trở lên), mà số sản phẩm OCOP cấp quốc gia đạt 5 sao cũng nhiều nhất.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, hiện nay, Hà Nội còn 806 làng nghề và làng có nghề. Trong đó có 321 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND Thành phố công nhận.
Hà Nội cũng có hơn 11.000 sản phẩm nông sản, thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code; có 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao; 149 mô hình liên kết chuỗi trong nông nghiệp… Đây chính là tiềm năng lớn để phát triển sản phẩm OCOP.
* Thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội.
Thiện Tâm