Đây là chia sẻ của GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội – ngôi trường có bề dày lịch sử lâu đời nhất trong hệ thống giáo dục Việt Nam, luôn không ngừng phấn đấu vì sức khỏe con người, thông qua những nỗ lực vươn tới đỉnh cao trong đào tạo nguồn nhân lực y tế, trong khoa học công nghệ và cung cấp nguồn chuyên gia cao cấp cho ngành y tế.
Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Hữu Tú về nội dung đổi mới đào tạo y khoa, những hiệu quả bước đầu và những khó khăn của trường khi triển khai đổi mới đào tạo toàn diện trong 6 năm vừa qua.
Xin GS chia sẻ những nội dung đổi mới toàn diện của trường ĐH Y Hà Nội để nâng cao chất lượng đào tạo và hội nhập quốc tế trong những năm gần đây?
GS.TS Nguyễn Hữu Tú: Đất nước đang phát triển và hội nhập quốc tế, ngành y cũng không phải ngoại lệ. Cách đây 10 năm, Nhà trường đã có những bước chuẩn bị cho đổi mới toàn diện chương trình đào tạo đại học dựa trên các chuẩn mực quốc tế. Trong 4-5 năm đầu, Nhà trường phải chuẩn bị rất nhiều, từ thay đổi nhận thức của lãnh đạo, thầy cô và cán bộ, nhân viên Nhà trường, đến việc đi học tập, nghiên cứu mô hình quốc tế, kinh nghiệm các trường đại học nổi tiếng trên thế giới, đào tạo tập huấn giảng viên, viết chương trình và vật liệu dạy học, đầu tư cơ sở vật chất và cả việc chuẩn bị tâm thế cho sinh viên.
Cách đây 6 năm, Nhà trường chính thức bắt đầu triển khai đổi mới căn bản toàn diện đối với 3 chương trình đào tạo đầu tiên, trong số 9 chương trình đào tạo đại học của Nhà trường. Đó là chương trình đào tạo bác sĩ y khoa, đào tạo bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt và cử nhân điều dưỡng.
Nội dung của sự đổi mới hoàn toàn này là đổi mới từ chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo chi tiết đến phương pháp giảng dạy, vật liệu dạy học, cách thức đánh giá, lượng giá sinh viên, cách quản trị cũng phải đổi mới…
Trước khi thực hiện đổi mới chương trình đào tạo, Nhà trường đã thực hiện bước đột phá trong đổi mới đánh giá lượng giá sinh viên dựa trên năng lực nhằm đảm bảo sự khách quan, tính chính xác, công bằng trong đánh giá, để tạo động lực và yêu cầu cao hơn đối với người học.
Ngoài ra, chương trình đào tạo đổi mới còn chú trọng về năng lực nghiên cứu khoa học và ngoại ngữ của sinh viên. Điều này nhằm đào tạo những thế hệ cán bộ y tế đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, đặc biệt hội nhập quốc tế sẽ thể hiện bằng khả năng thi đạt chứng chỉ hành nghề của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Tại sao Nhà trường lại chọn 3 chương trình đào tạo bác sĩ y khoa, bác sĩ răng hàm mặt và cử nhân điều dưỡng để đổi mới toàn diện đào tạo đầu tiên trong số 9 chương trình giảng dạy của Nhà trường cách đây 6 năm, thưa GS?
GS.TS Nguyễn Hữu Tú: Đây là 3 chương trình rất quan trọng, trong đó bác sỹ y khoa và điều dưỡng là những ngành xương sống của hệ thống y tế. Đây cũng là 3 ngành nằm trong nội dung cam kết hội nhập của ngành y tế trong khối Asean từ năm 2009. Tức là sau khi hoàn thành khoá học này, sinh viên có thể tham gia thi chứng chỉ hành nghề của bất kỳ nước nào trong khu vực Asean.
Trong 6 năm thực hiện đổi mới đào tạo toàn diện vừa rồi, Nhà trường đã có đánh giá hiệu quả bước đầu như thế nào, thưa GS?
GS.TS Nguyễn Hữu Tú: Hiện nay, đã có 2 khoá của cử nhân điều dưỡng được đào tạo theo chương trình đổi mới toàn diện đã ra trường. Tuy chưa có những nghiên cứu cụ thể nhưng theo đánh giá sơ bộ của các đơn vị sử dụng lao động và các thầy cô trực tiếp giảng day thì thế hệ sinh viên được đào tạo chương trình mới này có kiến thức và tư duy tiếp cận vấn đề tốt, năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề cũng rất chủ động.
Trong mỗi khoá sinh viên tốt nghiệp cử nhân điều dưỡng có 20-30/100 sinh viên đã thi đạt chứng chỉ hành nghề và làm việc tại các bệnh viện lớn của CHLB Đức - quốc gia có hệ thống y tế tiên tiến hàng đầu thế giới.
Năm học 2023-2024, khoá bác sĩ răng hàm mặt đầu tiên (hơn 70 sinh viên) được đào tạo theo chương trình mới sẽ tốt nghiệp; khoá bác sĩ y khoa đầu tiên (khoảng 500 sinh viên, trong đó bao gồm 100 sinh viên của Phân hiệu ĐHYHN tại Thanh Hoá) được đào tạo theo chương trình đổi mới sẽ tốt nghiệp năm 2024-2025.
Vậy, trong quá trình triển khai đổi mới toàn diện chương trình đào tạo, Nhà trường gặp những khó khăn, trở ngại như thế nào, thưa GS?
GS.TS Nguyễn Hữu Tú: Khó khăn đầu tiên và lớn nhất chính là từ con người. Đổi mới trong giáo dục đào tạo đã rất khó khăn, đổi mới hoàn toàn một chương trình đào tạo đại học càng khó khăn, phức tạp và nhiều thách thức nhất trong hoạt động đào tạo nói chung.
Để đổi mới chương trình đào tạo, cần thay đổi nhận thức của người dạy, người học từ cách thức dạy-học, nội dung bài giảng, đến vật liệu dạy học, cách đánh giá người học… Tất cả đòi hỏi giảng viên phải dành nhiều thời gian và công sức, thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận và giải quyết vấn đề để truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho sinh viên đúng theo yêu cầu, trong khi phần lớn các thầy, các cô đều là bác sỹ, nhân viên y tế vẫn phải làm chuyên môn (chăm sóc, tư vấn, điều trị bệnh nhân…) hàng ngày.
Người học cũng phải thay đổi lớn, từ chỗ học chủ yếu bị động thì bây giờ phải học chủ động, phải tự tìm tòi, đào sâu các vấn đề, đạt được các chuẩn quy định; phải rất tích cực, nếu không sẽ không theo kịp chương trình.
Thứ hai, chương trình đào tạo mới cần được xây dựng với các nội dung mới, vì vậy đòi hỏi nguồn lực giảng viên tốt; đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý phải được cử đi học tập và đào tạo về giáo dục y học tại các nước tiên tiến; cần có đủ thời gian để xây dựng toàn bộ chương trình giảng dạy mới.
Thứ ba, đòi hỏi cơ sở vật chất đầy đủ, trang thiết bị hiện đại hỗ trợ dạy và học, cần phải đầu tư tài chính lớn từ Nhà trường. Để đổi mới đào tạo, trường Đại học Y Hà Nội đã đầu tư nhiều nhất từ trước đến nay. Ngoài ra, các điều kiện của cơ sở thực hành lâm sàng cũng là đòi hỏi lớn khi đổi mới chương trình đạo tạo. Đây đang trở thành vấn đề khó đối với Nhà trường vì sự quá tải tại các cơ sở thực hành truyền thống, khi ngày càng có nhiều học viên, sinh viên được gửi đến từ nhiều cơ sở đào tạo y khoa trên cả nước.
Nhà trường có kế hoạch như thế nào trong thời gian tới để tiếp tục đẩy mạnh chương trình đổi mới đào tạo này, để hướng nhiều sinh viên đạt năng lực chuẩn quốc tế hơn, thưa GS?
GS.TS Nguyễn Hữu Tú: Đổi mới chương trình đào tạo căn bản và toàn diện đòi hỏi một quá trình lâu dài và tinh thần rất kiên trì để chương trình có thể hoàn thiện, bền vững và hội nhập quốc tế.
Theo kinh nghiệm của các nước, đổi mới một chương trình đào tạo ngành y phải kéo dài khoảng 10 năm thì mới đạt yêu cầu, vì vậy tất cả giảng viên, cán bộ và sinh viên nhà trường xác định quyết tâm, kiên trì vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành đổi mới 3 chương trình đào tạo này và tiếp tục thực hiện đổi mới các chương trình đào tạo khác trong những năm tới.
Trong đợt kiểm định chất lượng giáo dục đào tạo của Nhà trường lần 2 vừa thực hiện, đoàn đánh giá ngoài của Trung tâm kiểm định, Đại học Quốc gia Hà nội đã khẳng định, 3 chương trình đào tạo đổi mới là những điểm sáng trong đào tạo của nhà trường. Đặc biệt hệ thống đánh giá và lượng giá người học của Trường được công nhận là nổi bật nhất trong tất cả các trường đại học đã được kiểm định.
Đây là sự ghi nhận, cho thấy hướng đi đúng đắn của trường để nâng cao chất lượng đào tạo và hội nhập quốc tế, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ của người dân.
Để tiếp tục quá trình đổi mới toàn diện và bền vững, thời gian tới, Nhà trường mong tiếp tục nhận được sự đầu tư của nhà nước, sự quan tâm và chỉ đạo của các cấp, sự phối hợp và hỗ trợ của các cơ sở, các bệnh viện thực hành trong tiến trình đổi mới đào tạo toàn diện của Trường.
Xin trân trọng cảm ơn GS!
Hiền Minh (thực hiện)