In bài viết

Dự thảo Quy chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án

(Chinhphu.vn) - Tòa án nhân dân tối cao đang dự thảo Quy chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

08/12/2022 17:22
Dự thảo Quy chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án - Ảnh 1.

Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Dự thảo Quy chế này quy định về nguyên tắc hòa giải, đối thoại; chi phí hòa giải, đối thoại; nội quy Phòng hòa giải, đối thoại; trách nhiệm của Tòa án nơi tiến hành hòa giải, đối thoại; trách nhiệm của Hòa giải viên và người tham gia hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; xử lý vi phạm và tổ chức thực hiện.

Hòa giải, đối thoại theo quy định của Quy chế này được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Hòa giải, đối thoại trên tinh thần độc lập, vô tư, khách quan và trung lập

Dự thảo nêu rõ: Hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án phải tuân thủ các quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; các quy định khác của pháp luật có liên quan và Quy chế này. Hòa giải viên phải tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tham gia hòa giải, đối thoại theo quy định của pháp luật, trên tinh thần độc lập, vô tư, khách quan và trung lập.

Các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án phải chịu chi phí trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 9 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Việc thu, nộp chi phí hòa giải, đối thoại được thực hiện theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao. Thù lao và các khoản chi phí khác cho Hòa giải viên do Tòa án trực tiếp chi trả. Các bên không phải chi trả cho Hòa giải viên bất cứ chi phí nào khác.

Người tham gia hòa giải không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại

Dự thảo quy định, người tham gia hòa giải, đối thoại và những người khác có mặt tại Phòng Hòa giải, đối thoại cần thực hiện những quy định sau đây:

a) Mặc trang phục lịch sự, xuất trình giấy tờ tùy thân, thái độ đúng mực, tôn trọng Hòa giải viên, Thẩm phán và những người khác tham gia phiên hòa giải, đối thoại.

b) Không hút thuốc lá, không mang, không sử dụng vũ khí, hung khí, chất cháy nổ, độc hại, đồ vật cấm lưu hành, chất cấm khác theo quy định ở Phòng hòa giải, đối thoại.

c) Ngồi đúng vị trí trong Phòng hòa giải, đối thoại theo sự sắp xếp của Hòa giải viên và tuân theo sự điều hành phiên hòa giải, đối thoại của Hòa giải viên.

d) Không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại; chỉ được ghi chép để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại và phải bảo mật nội dung đã ghi chép.

Người vi phạm nội quy phòng hòa giải, đối thoại bị xử lý theo Quy chế này.

Tại phiên hòa giải, đối thoại, Hòa giải viên phổ biến nội quy Phòng hòa giải, đối thoại trước khi trình bày nội dung cần hòa giải, đối thoại.

Cấm đe dọa, xúc phạm, cản trở Hòa giải viên thực hiện nhiệm vụ

Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định các hành vi bị cấm trong quá trình hòa giải, đối thoại như sau: 

1- Đe dọa, xúc phạm hoặc cản trở Hòa giải viên thực hiện nhiệm vụ; cản trở người tham gia hòa giải, đối thoại thực hiện quyền tham gia hòa giải, đối thoại.

2- Lợi dụng hòa giải, đối thoại để gây rối trật tự công cộng. 

3- Xuyên tạc, vu khống, gây thiệt hại cho Tòa án, Hòa giải viên và người tham gia hòa giải, đối thoại.

Tòa án nhân dân tối cao đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng TTĐT của Tòa án nhân dân tối cao.

Tuyết Lạc