In bài viết

Giải bài toán ‘khát’ sân chơi cho trẻ em

(Chinhphu.vn) - Hiện nay tình trạng thiếu sân chơi, khu vui chơi cho trẻ em vẫn đang là vấn đề “nóng” trong xã hội. Để giải bài toán “khát” sân chơi cho trẻ, thiết nghĩ cần sự chung tay của các cấp chính quyền cũng như của cả cộng đồng.

15/06/2022 09:42
Giải bài toán ‘khát’ sân chơi cho trẻ em - Ảnh 1.

Trẻ em vui chơi tại sân chơi khu B, tập thể phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân - Ảnh: VGP/Chung Anh

Vẫn còn nhiều bất cập

TP. Hà Nội, đô thị có mật độ dân cư đông nhất cả nước nhưng mới có 200 điểm vui chơi. Tại 4 quận nội thành như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, có gần 30 điểm vườn hoa, vui chơi công cộng, chiếm 1,92% tổng diện tích đất, nhưng cũng không đủ chỗ cho trẻ em đến vui chơi vào những ngày hè hoặc dịp lễ tết.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số khu tập thể cũ như: Thành Công (quận Ba Đình), Trung Tự (quận Đống Đa), Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm)…, trang thiết bị vui chơi ở các sân chơi ngoài trời đã xuống cấp, hoen rỉ, nhiều thiết bị không còn nguyên hình dạng, tiềm ẩn nguy hiểm cho trẻ.

Mặt khác, sân chơi ngoài trời dành cho thiếu nhi thường bị chiếm dụng làm nơi để rác hay bị lấp đầy bởi các điểm trông giữ xe, hàng quán ăn uống, trái công năng ban đầu. Tình trạng này khiến nhiều phụ huynh lo ngại khi đưa con em tới các địa điểm sân chơi công cộng ngoài trời.

Có thể thấy, sân chơi ngoài trời dành cho trẻ em mỗi dịp hè về luôn là vấn đề mà các địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn, gặp phải. Sau 2 năm "vắng bóng" do ảnh hưởng dịch COVID-19, bài toán về sân chơi lại càng trở nên bức thiết, đòi hỏi những giải pháp triệt để.  

Cần mở rộng mô hình sân chơi công cộng

Nói về nguyên nhân thiếu không gian vui chơi cho trẻ, bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó Trưởng ban giám sát, tư vấn bảo vệ quyền trẻ em (Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam) cho biết, nguyên nhân cơ bản là thiếu sự quan tâm đồng bộ từ các cấp lãnh đạo, nơi nào được quan tâm thì trẻ em có sân chơi, trang thiết bị được quản lý; trẻ em được giám sát và bảo vệ; còn những nơi không được quan tâm thì sân chơi chỉ là hình thức.

Bên cạnh đó là việc bố trí nguồn kinh phí còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu. Cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em ở cơ sở còn thiếu và hạn chế do phải kiêm nhiệm nhiều công việc…

Chia sẻ về giải pháp nhằm xây dựng và mở rộng mô hình sân chơi công cộng cho thiếu nhi, bà Lê Thị Hoàng Yến nhấn mạnh đến vai trò cần thiết của Chính phủ trong việc ban hành, điều chỉnh quy hoạch; phân bổ, vận động nguồn lực và kinh phí xây dựng khu vui chơi cũng như cung cấp đầy đủ cơ sở vật chất trang thiết bị vui chơi.

Theo bà Lê Thị Hoàng Yến, từ Trung ương tới địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ, riêng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan để phát huy vai trò là người đại diện tiếng nói của trẻ em, tạo hiệu quả trong việc quản lý đoàn viên, thanh niên ở cơ sở và phụ trách thiếu nhi trong các kỳ sinh hoạt hè.

"Việc huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ xây dựng, tài trợ cho các sân chơi trẻ em là vô cùng cần thiết để bảo đảm mọi trẻ em đều được vui chơi giải trí, đều được bình đẳng về cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, để không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau", bà Lê Thị Hoàng Yến nhấn mạnh.

Về khía cạnh chính quyền, để giải bài toán "khát" sân chơi cho trẻ, đến nay nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã và đang vào cuộc quyết liệt, bắt đầu từ việc nhỏ nhất như thay mới, lắp đặt trang thiết bị vui chơi; tổ chức các phương thức hoạt động hiệu quả, hữu ích tại các điểm vui chơi...

Điển hình như quận Thanh Xuân, hiện có 62 công trình công viên, vườn hoa, sân chơi trẻ em. Có nhiều sân chơi được hình thành kết hợp với xây dựng mới nhà hội họp khu dân cư đã góp phần nâng cao hiệu quả của các thiết chế văn hóa...

Cụ thể, khu tập thể Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân), chỉ tính riêng khu B và khu C đã có tới 5 sân chơi cho trẻ nhỏ. Hầu hết hệ thống thiết bị vui chơi đều được cấp mới, tái sử dụng các vật liệu như lốp ô tô, chai nhựa, ván gỗ cũ... thân thiện với môi trường.

Hay như quận Đống Đa, mặc dù rất khó khăn về quỹ đất, nhưng những năm gần đây, mỗi năm quận đã đầu tư, cải tạo khoảng 20 sân chơi.

Tại quận Cầu Giấy, đại diện Phòng LĐTB&XH quận cho biết, hiện nay quận đang tiến hành rà soát trang thiết bị ở khu vui chơi, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng của các tổ dân phố. Qua đó, xác định những thiết bị thể thao ngoài trời cũ, hư hỏng và hạng mục xuống cấp để sửa chữa, nâng cấp. Sau khi rà soát, quận sẽ yêu cầu các phường nâng cấp các thiết bị ở khu vực vui chơi, giải trí để kịp phục vụ các em thiếu nhi dịp hè.

Mong rằng với sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, sự chung tay của toàn xã hội, trẻ em sẽ có nhiều không gian vui chơi bổ ích hơn nữa trong dịp hè này.

Chung Linh