Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo khảo sát của phóng viên tại một số nhà sách trên địa bàn Hà Nội như nhà sách Tiến Thọ, nhà sách Fahasa, nhà sách ACD Book..., trong những ngày đầu Hè luôn nhộn nhịp bóng dáng của các bạn học sinh, sinh viên và đặc biệt là các bạn thiếu nhi được bố mẹ dẫn đi tìm hiểu và chọn mua sách.
Thực tế này cho thấy dấu hiệu khởi sắc của văn hóa đọc hiện nay. Bởi bên cạnh nhiều bạn nhỏ chỉ chăm chăm vào màn hình công nghệ hay dành cả tiếng đồng hồ xem chương trình ti vi thì ngày càng có nhiều bạn nhỏ tìm đến sách.
Dẫn hai con nhỏ đến xem và tìm mua sách, chị Trần Thị Thu Hiền (phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân) mong muốn rèn luyện thói quen đọc sách từ sớm cho con trong dịp Hè này.
Chị Trần Thị Thu Hiền chia sẻ: "Bắt đầu từ việc cứ mỗi tối dẫn con tới nhà sách để tạo sự hứng thú, bạn nhà mình bắt đầu thích và chuyển sang đam mê đọc sách. Mình mong muốn tạo thói quen thích đọc sách cho các con nhằm tránh xa và hạn chế thời gian sử dụng điện thoại, xem ti vi và chơi games…".
Cứ mỗi dịp cuối tuần hoặc vào dịp nghỉ lễ, gia đình anh Bùi Văn Giang (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) thường dẫn các con đến nhà sách hoặc Phố sách 19/12 để các con tìm và đọc những cuốn sách thiếu nhi ưa thích.
"Nhiều câu chuyện từ sách đã giáo dục, giúp con tôi ngày càng tự tin cũng như biết yêu thương mọi người nhiều hơn. Chính vì vậy, việc rèn con đọc sách luôn được vợ chồng tôi lựa chọn", anh Giang cho biết.
Có thể thấy, trải qua 2 mùa Hè phải tạm ngưng nhiều hoạt động do dịch COVID-19, năm nay là dịp các bạn nhỏ thỏa sức tham gia các hoạt động Hè sôi nổi, hấp dẫn. Bên cạnh các hoạt động vui chơi ngoài trời thì việc đưa con tới các nhà sách để tìm mua và chọn đọc những cuốn sách bổ ích trở thành lựa chọn của nhiều bậc phụ huynh. Điều này góp phần thúc đẩy văn hóa đọc đến gần với công chúng, đặc biệt là các em thiếu nhi.
Trước sự phát triển như vũ bão của các phương tiện truyền thông đại chúng và các tiện ích xã hội, tưởng chừng như không còn chỗ cho việc đọc sách và người đọc cũng không còn hứng thú với sự đọc. Tuy nhiên, bằng nỗ lực không ngừng của Chính phủ và sự chung tay của cộng đồng, sách và văn hóa đọc vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển.
Năm 2017, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.Trong đó xác định mục tiêu đến năm 2030, người dân có thói quen đọc và kỹ năng tiếp cận, sử dụng thông tin, hiểu biết tại nơi sinh sống, học tập và công tác. Đồng thời, các chỉ tiêu phát triển văn hóa đọc tiếp tục duy trì và củng cố rộng rãi. Môi trường đọc ngày càng được cải thiện, nhiều không gian đọc mới mở ra đáp ứng nhu cầu xã hội, cộng đồng…
Đồng hành với Chính phủ là sự chung tay của các nhà xuất bản trong việc "kéo" bạn đọc về phía mình. Các mẫu mã, phương thức in ấn cải tiến; giấy in sách cũng ngày càng đa dạng hơn. Không khó bắt gặp những cuốn sách in bằng giấy mỏng để độc giả cầm đỡ nặng tay, góc sách thiếu nhi bo tròn để trẻ em không bị xây xước.
Nhiều chi tiết nhỏ như kiểu chữ, độ giãn dòng, cách đánh số trang và kẹp sách cũng được đầu tư kỹ lưỡng. Thay đổi tích cực này thể hiện sự trân trọng của nhà xuất bản dành cho người đọc.
Văn hóa đọc được tạo dựng bởi nhiều yếu tố nhưng đầu tiên và cốt lõi chính là thái độ và cách ứng xử với việc đọc của chúng ta. Còn riêng với thiếu nhi, chúng ta cần có sự chung tay lan tỏa từ gia đình cho tới xã hội cộng đồng, để trẻ làm quen và bắt đầu hình thành thói quen đọc sách từ sớm.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam chia sẻ một trong những bí quyết để bà gieo tình yêu đọc sách cho con là "bày sách ở khắp nơi và kê giá sách ở khắp các phòng trong nhà", với mục đích "để con chạm vào đâu cũng thấy sách".
"Trong nhà tôi, bố mẹ đọc cuốn nào hay sẽ chia sẻ với con hoặc gợi ý cho con chọn sách theo độ tuổi. Việc để trẻ tự tìm các cuốn sách mà con yêu thích cũng là cách giúp các con cảm thấy được bố mẹ tôn trọng", bà Phượng nói.
Nhận định về cách khơi dậy văn hóa đọc cho thiếu nhi, TS. Mai Anh Tuấn, nhà lý luận phê bình văn học nhấn mạnh mối liên hệ mật thiết giữa gia đình và xã hội.
TS. Mai Anh Tuấn chia sẻ: "Tôi thấy rất nhiều gia đình ở thành phố thường mua sách và đọc sách cùng con. Đó là một cách thức hữu hiệu để trẻ em chăm đọc sách hoặc ít nhất, gắn với sách như một người bạn. Muốn trẻ em đọc sách thì bố mẹ phải cũng yêu thích sách, phải biết sách và có kỹ năng đọc cùng con. Bố mẹ lười hoặc không đọc sách, trong nhà không có cuốn sách nào đáng đọc thì trẻ con sẽ sao nhãng, thậm chí, hơi "bơ vơ" vì chẳng biết bắt đầu từ đâu".
Ngoài ra, vào dịp Hè, các trung tâm thư viện, nhà văn hóa hay các khu chung cư cũng nên có những hoạt động liên quan đến sách, văn hóa đọc để khích lệ, thu hút trẻ em tham gia.
Chung Linh