Xung quanh vấn đề này, Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với bà Đỗ Thúy Lan, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia.
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, bà Đỗ Thúy Lan, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia (Bộ Tư pháp) cho biết: Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Kể từ khi Luật Lý lịch tư pháp (LLTP) năm 2009 được ban hành và có hiệu lực thi hành, cải cách TTHC trong việc cấp Phiếu LLTP luôn được Chính phủ và các cấp, các ngành quan tâm bằng việc đa dạng hóa các phương thức cấp Phiếu LLTP (qua dịch vụ bưu chính công ích và đăng ký trực tuyến) theo Đề án số 19 của Thủ tướng Chính phủ; bỏ bản sao hộ khẩu trong thành phần hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP theo Luật Cư trú năm 2019. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực, thuận lợi để người dân thực hiện quyền yêu cấp Phiếu LLTP và chủ động tham gia vào các quan hệ lao động, việc làm, xuất cảnh…
Theo bà Đỗ Thúy Lan, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác cải cách TTHC trong hoạt động cấp Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP), ngày 09/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc đẩy mạnh cải cách TTHC cấp Phiếu LLTP tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp với mục tiêu tăng cường cải cách TTHC trong việc tiếp nhận, giải quyết yêu cầu cấp Phiếu LLTP nhằm tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí xã hội cho người dân.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 23/CT-TTg, các Bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương tổ chức thực hiện. Đến nay, sau 06 tháng, nhiều nhiệm vụ đã được thực hiện với những kết quả tích cực, đáng ghi nhận.
Về rà soát văn bản QPPL quy định TTHC liên quan đến Phiếu LLTP để nghiên cứu, đề xuất cắt giảm yêu cầu nộp Phiếu LLTP, trên cơ sở Danh mục 154 TTHC có yêu cầu cấp Phiếu LLTP ban hành kèm theo Chỉ thị số 23/CT-TTg, các Bộ, ngành và 63 địa phương đã hoàn thành nhiệm vụ rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án cắt giảm quy định có liên quan đến yêu cầu nộp Phiếu LLTP.
Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 23/CT-TTg, Bộ Tư pháp đã có văn bản gửi Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai Chỉ thị số 23/CT-TTg.
Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, tổ chức về quyền yêu cầu cấp Phiếu LLTP, hạn chế tình trạng lạm dụng Phiếu LLTP. Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch về tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị số 23/CT-TTg, tập trung triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về Chị thị 23 dưới nhiều hình thức trên các phương tiện truyền thông về mục đích, ý nghĩa của Phiếu LLTP, nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng Phiếu LLTP, xây dựng phóng sự trên Đài Truyền hình Việt Nam, xây dựng chuyên mục về Chỉ thị 23/CT-TTg trên Trang thông tin điện tử về LLTP, đăng các tin bài trên các ấn phẩm, báo chí...
Bà Đỗ Thúy Lan cho biết, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã tham mưu Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa phương đẩy mạnh tuyên truyền quy định của Chỉ thị số 23/CT-TTg trên địa bàn; đăng tải các tài liệu tuyên truyền về Phiếu LLTP và xóa án tích trên Trang thông tin điện tử về Phổ biến, giáo dục pháp luật.
Đồng thời, Bộ Tư pháp cũng đã có văn bản gửi Giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố, thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ đề nghị thực hiện nghiêm quy định về quyền yêu cầu cấp Phiếu LLTP tại khoản 3 Điều 7 Luật LLTP; văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị nghiên cứu, sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan để hạn chế doanh nghiệp yêu cầu người dân xuất trình/nộp Phiếu LLTP không cần thiết trong tuyển dụng và quản lý lao động.
Hiện nay, Bộ Tư pháp đang tổ chức xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm phân cấp việc cấp Phiếu LLTP cho Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện tại TP. Hà Nội, tỉnh Nghệ An và TPHCM. Dự thảo Nghị quyết thí điểm đang được lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân trước khi hoàn thiện trình Chính phủ xem xét.
Về thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VneID, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia cho biết: Ngày 05/12/2023, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội và Trung tâm LLTP quốc gia đã thống nhất ban hành Quy trình thực hiện thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID tại tỉnh Thừa Thiên Huế (Quy trình số 9118/QLHC-TTLLTPQG). Dự kiến, việc triển khai thí điểm được thực hiện từ giữa tháng 01/2024 và thí điểm trong vòng 02 tháng. Sau khi kết thúc thí điểm, Bộ Tư pháp và Bộ Công an sẽ có đánh giá và báo cáo Chính phủ cho triển khai chính thức trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, từ tháng 09/2023, Bộ Tư pháp thực hiện thử nghiệm tính năng phân quyền cho 63 Sở Tư pháp trên toàn quốc thực hiện khai thác, tra cứu thông tin Cơ sở dữ liệu LLTP tại Trung tâm. Sau gần 04 tháng triển khai thử nghiệm, các Sở Tư pháp đã thực hiện thử nghiệm tính năng phân quyền khai thác, tra cứu với số lượng đề nghị tra cứu là hơn 10 ngàn trường hợp. Trung tâm LLTP quốc gia đang thực hiện đánh giá kết quả thử nghiệm tính năng phân quyền này tại các Sở Tư pháp. Trên cơ sở đó, Trung tâm phối hợp với Cục Công nghệ thông tin xây dựng, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, đề xuất nâng cấp, hoàn thiện Phần mềm để chính thức thực hiện tính năng phân quyền cho các Sở Tư pháp.
Đặc biệt, nhằm khuyến khích cá nhân tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực LLTP, thực hiện Chị thị số 23 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã có văn bản đề xuất giảm 10% mức phí cung cấp thông tin LLTP đã quy định tại Thông tư số 244/2016/TT-BTC đối với dịch vụ công trực tuyến. Để tiếp tục rà soát, ưu đãi phí cung cấp thông tin LLTP để khuyến khích thực hiện dịch vụ công trực tuyến theo yêu cầu của Chỉ thị số 23/CT-TTg, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục có văn bản gửi Bộ Tài chính đề xuất giảm thêm mức phí hiện hành đối với trường hợp cá nhân đăng ký cấp Phiếu LLTP trực tuyến.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, bà Đỗ Thúy Lan cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc triển khai Chỉ thị số 23/CT-TTg cũng còn một số hạn chế như sau:
Đó là, tại nhiều địa phương, tình trạng lạm dụng yêu cấp Phiếu LLTP, trong đó có Phiếu LLTP số 2 vẫn đang diễn ra, số lượng yêu cầu cấp Phiếu LLTP cao tại các tỉnh, thành phố lớn nên có tình trạng quá tải, ùn ứ hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP tại một số thời điểm. Vẫn còn trường hợp trả kết quả trễ hạn cấp Phiếu LLTP, chủ yếu là trường hợp phải xác minh điều kiện xoá án tích.
Một số Sở Tư pháp chưa chủ động thực hiện khai thác, tra cứu Cơ sở dữ liệu tại Trung tâm LLTP quốc gia để phục vụ cấp Phiếu LLTP. Chỉ thị 23/CT-TTg đã giao các Bộ, ngành, địa phương chủ động nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh, bảo đảm đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ, số hóa và tái sử dụng theo đúng yêu cầu của Chính phủ.
Tuy nhiên, hiện nay, tại một số địa phương, Phần mềm Quản lý LLTP đã kết nối với Hệ thống thông tin một cửa của tỉnh nhưng chưa liên thông dữ liệu, cá nhân vẫn gặp khó khăn khi thực hiện yêu cầu đăng ký cấp Phiếu LLTP trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh; cán bộ tại bộ phận một cửa vẫn phải nhập thông tin của người có yêu cầu cấp Phiếu LLTP trên cả Phần mềm Quản lý LLTP và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh, mất thêm thời gian, công sức thực hiện.
Để tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC trong công tác LLTP theo tinh thần Chỉ thị số 23/CT-TTg, trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương cần triển khai đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
Thứ nhất, tổ chức sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật quy định TTHC yêu cầu có Phiếu LLTP theo hướng cắt giảm Phiếu LLTP trong trường hợp không cần thiết. Đồng thời, Bộ Tư pháp cũng đang nghiên cứu xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư về việc ban hành và hướng dẫn sử dụng biểu mẫu và mẫu sổ lý lịch tư pháp, theo đó đề xuất ban hành các biểu mẫu điện tử, biểu mẫu tương tác điện tử phù hợp với yêu cầu của Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025; các quy định của pháp luật về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, cơ quan, tổ chức về ý nghĩa, vai trò của Phiếu lý lịch tư pháp trong đời sống kinh tế - xã hội. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến tới các Hiệp hội doanh nghiệp, Hội doanh nhân tại các địa phương để quán triệt tới các doanh nghiệp, thành viên của Hiệp hội nhằm thực hiện đúng các quy định về tuyển dụng, hồ sơ tuyển dụng lao động. Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện nghiêm quyền yêu cầu cấp Phiếu LLTP theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Luật LLTP, nghiêm túc chấn chỉnh việc lạm dụng yêu cầu người lao động phải nộp Phiếu LLTP không cần thiết, tiến tới chấm dứt yêu cầu người dân nộp Phiếu LLTP không đúng quy định.
Thứ ba, tăng cường công tác xây dựng, số hoá Cơ sở dữ liệu LLTP. Các Sở Tư pháp phát huy vai trò chủ động, tích cực thực hiện khai thác, tra cứu thông tin tại Cơ sở dữ liệu tại Trung tâm LLTP quốc gia và tại Sở Tư pháp phục vụ công tác cấp Phiếu LLTP để nâng cao tính chủ động, chịu trách nhiệm, giảm thời gian, chi phí thực hiện, bảo đảm thời hạn cấp Phiếu LLTP.
Nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh theo Nghị định số 107/2021/NĐ-CP của Chính phủ và văn bản số ngày 23/5/2023. Qua đó đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu cấp Phiếu LLTP của cá nhân, cơ quan, tổ chức, góp phần xây dựng và hoàn thiện Chính phủ điện tử trong thời gian tới.
Lê Sơn (thực hiện)