Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo Bộ Tư pháp, Luật Lý lịch tư pháp (LLTP) đã được Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 17/6/2009 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2010.
Sau hơn 10 năm thi hành, Luật LLTP đã thực sự đi vào cuộc sống, cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu cấp Phiếu LLTP ngày càng tăng của công dân, bảo đảm phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập quốc tế.
Để phát huy những thành quả đã đạt được, đồng thời, nâng cao hơn nữa hiệu quả thi hành Luật LLTP, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đánh giá tình hình triển khai thi hành Luật LLTP trên phạm vi cả nước, tiến hành khảo sát tại một số địa phương và tổ chức hội thảo, tọa đàm nhằm tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan, đơn vị về thực tiễn thi hành Luật LLTP, đặc biệt đánh giá những hạn chế, bất cập; tìm ra nguyên nhân và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác LLTP trong thời gian tới.
Theo đó, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác LLTP cũng đã bộc lộ một số những khó khăn, hạn chế nhất định như: Nguồn lực, cơ sở vật chất phục vụ công tác LLTP còn hạn chế; về công tác xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác Cơ sở dữ liệu LLTP vẫn còn tình trạng tồn đọng thông tin chưa được xử lý, cập nhật vào cơ sở dữ liệu LLTP. Vẫn còn tình trạng thông tin được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu LLTP chưa chính xác, đồng bộ giữa Cơ sở dữ liệu LLTP tại Bộ Tư pháp với Cơ sở dữ liệu LLTP của 63 Sở Tư pháp .
Về công tác cấp Phiếu LLTP, tình trạng lạm dụng quyền yêu cầu cấp Phiếu LLTP của cá nhân, trong đó có Phiếu số 2 ngày càng phổ biến, ảnh hưởng tới quyền được bảo vệ bí mật cá nhân, chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự của Nhà nước ta; ảnh hưởng đến việc tái hòa nhập của người bị kết án, đặc biệt là những người đã được xóa án tích. Tình trạng chậm thời hạn cấp Phiếu LLTP vẫn xảy ra ở một số địa phương.
Nhằm khắc phục tình trạng chậm thời hạn cấp phiếu LLTP trong thời gian qua, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau: như tăng cường phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền, ứng dụng công nghệ số,... trong đó việc phân cấp thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho Phòng Tư pháp cấp huyện thực hiện là một giải pháp cần thiết.
Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đề xuất thực hiện thí điểm phân cấp việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho một số Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện tại TP. Hà Nội, TPHCM và tỉnh Nghệ An.
Theo thống kê, hiện nay thành phố Hà Nội, TPHCM và tỉnh Nghệ An là ba địa phương có số lượng yêu cầu cấp Phiếu LLTP lớn nhất cả nước, từ năm 2021 đến năm 2023, trung bình mỗi năm TP. cấp 51.211 Phiếu LLTP, TPHCM cấp 95.979 Phiếu LLTP, tỉnh Nghệ An cấp 56.900 Phiếu LLTP. Trong bối cảnh nguồn nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất của Sở Tư pháp còn hạn chế thì việc tiếp nhận một số lượng lớn hồ sơ đã gây tình trạng quá tải cho bộ phận làm công tác LLTP tại các địa phương này. Có thời điểm người dân phải xếp hàng từ rất sớm để nộp hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP, gây bức xúc trong dư luận.
Hiện nay, TP. Hà Nội đang có 30 đơn vị hành chính cấp huyện; TPHCM đang có 22 đơn vị hành chính cấp huyện; tỉnh Nghệ An có 21 đơn vị hành chính cấp huyện. Việc thí điểm phân cấp cho đơn vị hành chính cấp huyện tại TP. Hà Nội, TPHCM và tỉnh Nghệ An thực hiện việc cấp Phiếu LLTP hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay, góp phần giảm áp lực trực tiếp cho Sở Tư pháp trong giải quyết thủ tục cấp Phiếu LLTP cũng như tạo thuận lợi hơn cho người dân khi có thể đến Phòng Tư pháp cấp huyện thực hiện thủ tục cấp Phiếu LLTP, tăng tính chủ động của đơn vị hành chính cấp huyện trong giải quyết thủ tục hành chính.
Thời gian thực hiện thí điểm trong 02 năm, là khoảng thời gian đủ để các địa phương chuẩn bị các nguồn lực tổ chức triển khai thực hiện, đồng thời cũng đủ để có lượng thời gian cho công tác sơ kết, tổng kết trước khi đề xuất sửa đổi quy định của Luật để áp dụng trên phạm vi cả nước.
Lê Sơn