In bài viết

Giải quyết vướng mắc trong quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ

(Chinhphu.vn) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, thay thế Nghị định số 33/2019/NĐ-CP.

17/01/2023 17:34
Giải quyết vướng mắc trong quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ - Ảnh 1.

Bộ Tài chính cho biết, qua gần 04 năm triển khai thực hiện Nghị định số 33/2019/NĐ-CP ngày 23/4/2019 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thì các quy định tại Nghị định số 33/2019/NĐ-CP và công tác quản lý, sử dụng, kế toán tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã phát sinh những hạn chế, bất cập cần được giải quyết, khắc phục để tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác đối với các tài sản này. Một số khó khăn, bất cập chủ yếu bao gồm:

Việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ chưa phản ánh hết tính chất đặc thù của từng loại tài sản, chủ yếu hiện nay thực hiện theo phương thức trực tiếp tổ chức khai thác tài sản, dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện và chưa thực sự phát huy được hiệu quả nguồn lực tài chính từ khai thác tài sản công này; theo đó cần phải sửa đổi, bổ sung về phương thức khai thác, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện theo hướng: (i) Bổ sung phương thức chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (áp dụng đối với loại tài sản được thu phí theo quy định của pháp luật); (ii) Quy định cụ thể về phạm vi của phương thức khai thác (bao gồm toàn bộ hay cả trường hợp khai thác một phần của từng tài sản); (iii) Sửa đổi về trình tự, thủ tục thực hiện cho phù hợp với đặc thù tài sản và thực tế hiện nay.

Việc xử lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo một số hình thức (như: Sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao; bán tài sản) không còn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và thực tế hiện nay; đồng thời một số loại tài sản (như nhà hạt quản lý đường bộ) không còn nhu cầu sử dụng hoặc thay đổi quy hoạch loại ra khỏi danh mục tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nhưng chưa có cơ chế để thực hiện chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý; một số loại tài sản trong quá trình thực hiện xử lý cần phải có ý kiến của đối tượng bị ảnh hưởng có liên quan…; theo đó cần phải sửa đổi, bổ sung về hình thức xử lý, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện cho phù hợp với đặc thù tài sản và thực tế hiện nay.

Bên cạnh đó, hoạt động kế toán, báo cáo tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ chưa được đầy đủ và kịp thời; việc cập nhật thông tin, số liệu vào Cơ sở dữ liệu về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ còn chậm, chưa đầy đủ các chỉ tiêu thông tin đầu vào, đầu ra; theo đó cần phải sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể mẫu biểu báo cáo tài sản phục vụ yêu cầu quản lý, phù hợp để tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công.

Từ cơ sở nêu trên, việc Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (thay thế cho Nghị định số 33/2019/NĐ-CP ngày 23/4/2019 của Chính phủ) là cần thiết và có cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn.

Việc xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình giao, quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ, bảo đảm tất cả các tài sản kết cấu hạ tầng đều xác định được chủ thể chịu trách nhiệm trước Nhà nước trong quản lý, hạch toán tài sản, khai thác tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý qua các thời kỳ.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Lan Phương