Trong thời gian qua, Chính phủ đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm khơi thông, giải phóng nguồn lực và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có đổi mới, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực thi hiệu quả các quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm.
Những tiếp cận mới của Bộ luật Dân sự năm 2015 về đăng ký biện pháp bảo đảm và quy định về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm trong Nghị định hướng dẫn của Chính phủ, như Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 và Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 đã góp phần tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ công về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm. Qua đó phát huy vai trò của thiết chế đăng ký trong việc kinh doanh thương mại, thúc đẩy quá trình cấp vốn cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, trong bối cảnh một số văn bản thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung, một yêu cầu đặt ra là cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm nhằm đảm bảo thống nhất, đồng bộ hơn với pháp luật liên quan, đáp ứng kịp thời sự phát triển nhanh, đa dạng các chuỗi cung ứng vốn có bảo đảm cho nền kinh tế.
Đáp ứng yêu cầu trên, ngày 30/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2022/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2023 (thay thế Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 của Chính phủ) nhằm cải cách thủ tục hành chính, khơi thông các nguồn vốn một cách thuận lợi và an toàn, giải quyết những bất cập phát sinh trong thực tiễn.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm Nguyễn Hồng Hải giới thiệu một số nội dung mới, cơ bản trong quy định của Nghị định số 99/2022/NĐ-CP, các tham luận của đại diện Bộ TN&MT, đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cũng như trao đổi, thảo luận về một số vấn đề, như: Đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; tác động của Nghị định 99/2022/NĐ-CP đối với hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm tại các tổ chức tín dụng...
Các đại biểu đều nhất trí việc Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2022/NĐ-CP là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong khuôn khổ pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm và pháp luật khác liên quan; thực hiện hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, hoạt động của cơ quan đăng ký và hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm; khắc phục những vướng mắc, bất cập, đồng thời nắm bắt, bao quát được những vấn đề mới, yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn và trong quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, hội nghị là sự kiện quan trọng, góp phần tạo sự thống nhất trong nhận thức giữa các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức có liên quan khi áp dụng quy định của Nghị định số 99/2022/NĐ-CP. Đây cũng là diễn đàn trao đổi, thảo luận về các giải pháp để các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức thực thi có hiệu quả Nghị định.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đề nghị, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan đăng ký biện pháp bảo đảm, cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 99/2022/NĐ-CP.
Do công tác đăng ký biện pháp bảo đảm có tính chất liên ngành, nên cần tăng cường công tác phối hợp trong tổ chức thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm theo quy định của Nghị định số 99/2022/NĐ-CP, đặc biệt là trong công tác tập huấn, phổ biến quy định của Nghị định.
Đối với địa phương, tuỳ theo điều kiện để có hình thức tổ chức hội nghị triển khai, phổ biến, tập huấn Nghị định số 99/2022/NĐ-CP phù hợp, hiệu quả, thiết thực, qua đó tiếp tục nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về vai trò của hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm, đảm bảo thực hiện đúng quy định của Nghị định, qua đó bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.
Lê Sơn