In bài viết

Giáo dục đại học: Đầu tư bứt phá, nâng cao chất lượng

(Chinhphu.vn) - Một thách thức lớn của giáo dục đại học là việc cung cấp nguồn nhân lực ngày càng nhiều, đa dạng và yêu cầu chất lượng ngày càng cao...

09/08/2024 14:40

Ngày 9/8, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị giáo dục ĐH năm 2024. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì hội nghị.

Với chủ đề “Tăng cường nguồn lực đầu tư bứt phá, nâng cao chất lượng giáo dục đại học”, Hội nghị là dịp để nhìn nhận, đánh giá kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm; trên cơ sở đó thống nhất đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho năm học 2024-2025, góp phần thực hiện hiệu quả đổi mới giáo dục và đào tạo, hướng tới thực hiện thành công các mục tiêu về giáo dục và đào tạo được đề ra tại các Nghị quyết của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026.

Tăng cường nguồn lực đầu tư, tạo bứt phá nâng cao chất lượng 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhận định: Năm học 2023-2024 diễn ra trong bối cảnh các hoạt động kinh tế-xã hội của thế giới và trong nước đã có những chuyển biến tích cực; đặc biệt sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, nhất là chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo đã có tác động không nhỏ đối với sự phát triển của giáo dục và đào tạo.

Đây cũng là năm học toàn ngành giáo dục triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Giáo dục đại học: Đầu tư bứt phá, nâng cao chất lượng- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết giáo dục đại học đã triển khai toàn diện các giải pháp bảo đảm chất lượng trong tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học - Ảnh: VGP/NN

Với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo; sự chia sẻ, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân; sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; sự quyết liệt, chủ động của lãnh đạo các cơ sở đào tạo đã mang lại cho các cơ sở đào tạo được một số kết quả đáng ghi nhận.

Cụ thể, đã từng bước đổi mới tư duy, nhận thức, nâng cao năng lực quản trị đại học, tháo gỡ các điểm nghẽn, khai thông các nguồn lực, đẩy mạnh triển khai tự chủ đại học đi vào chiều sâu và thực chất, gắn với mục tiêu nâng cao chất lượng và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của các cơ sở đào tạo, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học.

Đã triển khai toàn diện các giải pháp bảo đảm chất lượng trong tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học; gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đã có nhiều giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho đào tạo và nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; tăng cường hợp tác, khai thác các nguồn lực từ bên ngoài cho giáo dục đại học.

Đã chủ động tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong toàn bộ hoạt động giáo dục đại học, từ hệ thống quản lý, tuyển sinh, đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học, lấy tiến bộ của người học làm thước đo cho chất lượng, hiệu quả giảng dạy.

Với kết quả này đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành và chất lượng đào tạo của cơ sở đào tạo để hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch năm học 2023-2024.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng nhìn nhận, việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2023-2024 về giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc thực hiện tự chủ đại học theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học và Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học ở một số cơ sở đào tạo còn chậm, lúng túng, nhất là vấn đề thành lập, kiện toàn hội đồng trường, quan hệ phối hợp giữa hội đồng trường với ban giám hiệu tại một số đơn vị.

Việc triển khai thực hiện một số văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ GDĐT còn lúng túng, đặc biệt là việc triển khai Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Nhiều địa phương chưa nhận thức đúng quyền và trách nhiệm của mình trong việc triển khai nhiệm vụ này.

Việc kiểm định chất lượng, thực hiện theo chuẩn chương trình đào tạo triển khai còn chậm; hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế; việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tuy đã tích cực triển khai nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa phát huy hết theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng chậm, chưa đồng đều giữa các ở sở giáo dục đại học; công tác tuyển sinh mặc dù đã có nhiều đổi mới, nhưng việc cho phép các cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh theo nhiều phương thức cũng gây khó khăn cho thí sinh trong quá trình lựa chọn; phương thức xét tuyển sớm chưa thực sự bảo đảm độ tin cậy, khách quan, công bằng cho các thí sinh và giữa các cơ sở đào tạo.

Giáo dục đại học: Đầu tư bứt phá, nâng cao chất lượng- Ảnh 6.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ những thách thức với giáo dục đại học - Ảnh: VGP/NN

Cạnh tranh ngày càng gay gắt trên phạm vi toàn cầu đối với hệ thống giáo dục

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ những thách thức với giáo dục đại học; để từ đó cùng nhận diện, vượt qua, vươn lên, đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của xã hội, người học.

Thách thức đầu tiên, theo Bộ trưởng là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên phạm vi toàn cầu đối với hệ thống giáo dục. Cạnh tranh trong thu hút giảng viên, người học; cạnh tranh xếp hạng, thu hút đầu tư và cả ảnh hưởng xã hội… Chúng ta chấp nhận cạnh tranh và coi đó là điều thúc đẩy cho phát triển, đổi mới, gia tăng chất lượng.

Cùng với đó là thách thức đến từ kỳ vọng lớn và sự giao phó, trông đợi của Đảng, Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp, xã hội… đặt ra với giáo dục đại học ngày càng lớn. Giáo dục – đào tạo được tin tưởng, xác định là quốc sách hàng đầu, là đột phá chiến lược, là giải pháp quan trọng nhằm tạo bứt phá về kinh tế-xã hội. 

Bài học từ các quốc gia phát triển cho thấy, ở những thời điểm quan trọng cần bứt phá về kinh tế, thì sự phát triển của khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực là yếu tố mang tính quyết định. Chính các cơ sở giáo dục đại học sẽ giải bài toán này, đáp ứng yêu cầu cho sự bứt phá của đất nước.

Thêm một thách thức lớn của giáo dục đại học được Bộ trưởng nhắc đến là việc cung cấp nguồn nhân lực ngày càng nhiều, đa dạng và yêu cầu chất lượng ngày càng cao cho một nền kinh tế có nhiều điểm đặc thù như Việt Nam.

Tại Việt Nam, tỷ trọng doanh nghiệp FDI chiếm một phần rất lớn. Khi đó, nhu cầu nhân lực sẽ không giống như các nền kinh tế khác. Doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư ở Việt Nam phần nhiều là lĩnh vực mới, hoặc Việt Nam không có sẵn, nên chúng ta luôn ở tình thế bất lợi trong đáp ứng nhu cầu nhân lực, dù các cơ sở giáo dục đại học năng động, ý chí vươn lên mạnh mẽ.

Giải pháp cho vấn đề này, theo Bộ trưởng là tầm nhìn nhân lực cần có tính toàn cầu; cần liên kết quốc tế nhiều hơn để chủ động phán đoán xu hướng; đào tạo cái cơ bản, đồng thời tăng cường khả năng thích ứng, chuyển đổi nhanh. Đây là tinh thần cần có để đáp ứng được yêu cầu nhân lực của nền kinh tế có độ mở, số lượng doanh nghiệp FDI lớn.

Lấy ví dụ từ ngành công nghệ bán dẫn, công nghệ mũi nhọn, nhận định từ thực tế tuyển sinh năm nay - cũng là năm đầu tiên - cho thấy sự nhạy bén, nắm bắt thời cơ, tinh thần vào cuộc với trách nhiệm rất cao của các cơ sở giáo dục đại học, Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng chúng ta sẽ vượt qua được thách thức này.

Bộ trưởng đồng thời nhắc đến thách thức của việc phải đáp ứng nhu cầu của người học ngày càng gia tăng số lượng và yêu cầu ngày càng cao về chất lượng; thách thức giữa kỳ vọng và yêu cầu cao, nhưng đầu tư còn rất khiêm tốn. Thêm đó là thách thức trực diện trong đẩy mạnh tự chủ thời gian tới; cụ thể, đẩy mạnh chất lượng, chiều sâu của tự chủ và điều chỉnh cả mục tiêu của tự chủ.

“Chúng ta trải qua một giai đoạn triển khai tự chủ đại học, từ thí điểm đến diện rộng. Tự chủ làm thay đổi diện mạo các cơ sở giáo dục đại học, tuy nhiên phía trước vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Chúng ta từng bước để tự chủ ngày càng cao hơn, chiều sâu và thực chất hơn. Đồng thời với đó, bên trong hệ thống cần gia tăng một số “tự”: tự kiểm soát; tự điều tiết; tinh thần tự lực tự cường; tự biết mình ở đâu để tự soi, tự sửa, tự tin hơn để hành động; tự mình từng ngày làm tốt hơn để hướng đến chất lượng cao hơn”, Bộ trưởng chia sẻ.

Một thách thức nữa, theo Bộ trưởng, sắp tới quy hoạch mạng lưới các trường đại học, trường sư phạm sẽ được ban hành. Triển khai thực hiện quy hoạch sẽ có những biến động trong sắp xếp hệ thống các trường. Mong rằng, chúng ta đón nhận điều này với một tinh thần đổi mới và tinh thần trách nhiệm đối với ngành, với xã hội.

“Những thách thức nói trên phát sinh trong chính quá trình phát triển, quá trình chúng ta ngày càng có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Chính thách thức lớn đó là cũng là cơ hội để chúng ta đáp ứng được, thoả mãn được, vượt lên được. Mong tất cả chúng ta, từ Bộ GD&ĐT, các đơn vị, cho đến cơ sở giáo dục cùng vượt qua và tự mình vượt lên thách thức đó để đạt tới mục tiêu chất lượng”, Bộ trưởng bày tỏ.

Phương Liên