Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hội thảo giáo dục năm 2023 về "Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học" được tổ chức tại Hà Nội vào chiều 5/11.
Tham dự Hội thảo có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.
Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT và ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức.
Hội thảo nhằm tạo diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các chuyên gia, nhà giáo, nhà khoa học trong và ngoài nước thảo luận, trao đổi, đánh giá việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với giáo dục đại học; trong đó, tập trung về chất lượng và đánh giá chất lượng giáo dục đại học.
Trên cơ sở kết quả thực hiện và bài học kinh nghiệm thực tiễn, hội thảo hướng tới đề xuất các ý tưởng, giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực đầu tư nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, tạo điều kiện cho giáo dục đại học phát triển, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao phục vụ cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (năm 1991) đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong đó xác định: Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ phải được xem là quốc sách hàng đầu.
Trên cơ sở đó, việc phát triển giáo dục và đào tạo, phát huy nguồn lực con người liên tục được nhấn mạnh qua các kỳ đại hội Đảng và trở thành một trong những nhiệm vụ, giải pháp đột phá chiến lược.
Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 đã đặt ra yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng lấy chất lượng và hiệu quả làm thước đo nhằm mục tiêu phát triển toàn diện con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với khơi dậy khát vọng, ý chí tự cường, tự hào dân tộc và giá trị văn hóa, con người Việt Nam thời đại mới.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được đề cập trong Nghị quyết là hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, trong đó có giáo dục đại học.
Phó Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhận định, thời gian qua, lĩnh vực giáo dục đại học đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quy mô giáo dục đại học, công tác quản lý, quản trị đại học có bước phát triển và nhiều đổi mới. Số lượng cơ sở giáo dục đại học, quy mô đào tạo các trình độ giáo dục đại học tăng. Nhiều trường đã tích cực, chủ động phát triển các chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế. Số lượng, trình độ, năng lực đội ngũ giảng viên các trường đại học được nâng lên. Cơ sở vật chất của nhiều trường đại học được tăng cường. Một số trường được đầu tư các phòng thí nghiệm hiện đại, đáp ứng tốt nhiệm vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học.
Các đại học, trường đại học hàng đầu của Việt Nam liên tục xuất hiện và tăng thứ hạng, giữ vị trí tốt trong các bảng xếp hạng đại học uy tín trên thế giới.
Tuy nhiên, cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, trước sự vận động, phát triển không ngừng của khoa học-công nghệ và tri thức nhân loại, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giáo dục đại học còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cả về quy mô, cơ cấu ngành nghề và kỹ năng làm việc.
Thể chế, chính sách điều chỉnh lĩnh vực giáo dục đại học còn có sự mâu thuẫn, thiếu thống nhất trong cách hiểu, vận dụng và hướng dẫn thi hành, đặc biệt là về thực hiện tự chủ đại học.
Quy mô giáo dục đại học của nước ta có tăng nhưng chưa đủ đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế tri thức. Kinh phí đầu tư cho giáo dục đại học còn thấp. Chính sách xã hội hoá giáo dục chưa thực sự thu hút được nhiều các thành phần xã hội tham gia. Số lượng, cơ cấu, chất lượng đội ngũ giảng viên đại học chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, nhất là về năng lực đổi mới sáng tạo.
Công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế còn chưa tương xứng với tiềm năng. Hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học chưa được hoàn thiện.
Bên cạnh đó, thể chế, chính sách pháp luật được coi là yếu tố then chốt đóng vai trò định hướng, dẫn dắt, tạo khung khổ pháp lý cho việc tổ chức, vận hành - là công cụ hữu hiệu để quản lý phát triển các hoạt động của từng lĩnh vực kinh tế-xã hội diễn ra theo đúng mục tiêu đã xác định.
Nếu được ban hành kịp thời, đồng bộ, phù hợp, có tầm nhìn, khả năng dự báo thì thể chế, chính sách pháp luật sẽ góp phần “soi đường”, tạo động lực thúc đẩy lĩnh vực phát triển; ngược lại, sẽ gây ra những rào cản đối với sự đổi mới và phát triển.
Với ý nghĩa đó, tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu thảo luận kỹ lưỡng về chất lượng giáo dục đại học từ tác động của thể chế, chính sách, dưới các góc độ khác nhau từ cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở đào tạo, người sử dụng lao động, doanh nghiệp xã hội.
Đặc biệt, cần làm rõ những vướng mắc, rào cản liên quan tới thể chế, chính sách để đề xuất giải pháp phù hợp, trong đó tập trung vào các nội dung trọng tâm về: Chính sách nâng cao chất lượng chuyên môn học thuật; đổi mới quản trị đại học, đẩy mạnh tự chủ đại học; chính sách về nguồn lực đầu tư; chính sách về đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đại học; chính sách xã hội hoá giáo dục đại học; về hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học và giáo dục đại học gắn với việc làm sau khi ra trường.
Tại Hội thảo giáo dục 2023, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nêu 1 số vấn đề lớn về thể chế, chính sách liên quan tới chất lượng giáo dục đại học từ góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm chính về GD-ĐT.
“Giáo dục đại học trước hết là một dịch vụ công đặc biệt, vì người học cũng như Nhà nước, là những khách hàng sử dụng dịch vụ; nhưng lợi ích nhận được có độ trễ, có tính lâu dài, bền vững và gia tăng theo thời gian. Cho nên khách hàng đồng thời là những nhà đầu tư.
Đầu tư cho giáo dục nói chung và cho giáo dục đại học nói riêng là đầu tư cho phát triển, có hiệu quả đầu tư cao, tỉ suất thu hồi lớn. Cả người học, gia đình và Nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội cần phải đầu tư 'đủ tầm' cho giáo dục đại học, cho các cơ sở giáo dục đại học”, Thứ trưởng chia sẻ.
Một khi đã thống nhất bản chất của giáo dục đại học là một dịch vụ công đặc biệt, thì chất lượng giáo dục đại học sẽ là kết quả thực hiện sứ mạng của mình, được đo lường, đánh giá thông qua các chỉ số thể hiện giá trị gia tăng từ các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao tri thức, đáp ứng yêu cầu của người học, Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội.
Nhìn nhận quản trị ở cấp độ cơ sở giáo dục đại học từ cách tiếp cận hệ thống, theo Thứ trưởng, có thể nhận thấy những nguyên nhân căn cốt dẫn tới hạn chế về chất lượng giáo dục đại học như: Cơ chế đánh giá cũng như giám sát chất lượng có thể chưa thực sự hiệu quả, thực chất. Chúng ta muốn biết chất lượng giáo dục đến đâu cần phải có cơ chế đánh giá giám sát chất lượng thực sự hiệu quả.
Bên cạnh đó, hành lang pháp lý của tự chủ đại học chưa thực sự đồng bộ, chưa tạo sức bật mạnh mẽ cho các cơ sở giáo dục đại học phát huy hết nội lực; năng lực quản trị của một số cơ sở giáo dục đại học còn yếu.
Hệ thống giáo dục đại học còn phân mảnh, chưa được tối ưu hóa. Một số cơ sở giáo dục đại học hoạt động kém hiệu quả, kém chất lượng.
Cuối cùng, theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, nguồn lực đầu tư cho giáo dục còn rất thấp so với yêu cầu phát triển. Đối sánh với khu vực và thế giới, tỷ trọng chi đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho giáo dục đại học chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 so với mức trung bình của khu vực.
Vì vậy, Thứ trưởng cho rằng, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học chính là tăng cường yếu tố tác động đến chất lượng, để khắc phục điểm nghẽn nói trên.
Theo đó, cần có những chính sách và rà soát chính sách về đánh giá, giám sát chất lượng; cần giải pháp để tối ưu hóa ở cả cấp độ hệ thống cũng như trong từng cơ cở giáo dục đại học; cần cơ chế chính sách để huy động tối đa và phát triển các nguồn lực về tài chính, đội ngũ, cơ sở vật chất, công nghệ, quan hệ hợp tác của nhà trường và của hệ thống tối giáo dục đại học với bên ngoài, với thế giới; có cơ chế chính sách phân bổ và kiểm soát hiệu quả các nguồn lực từ Nhà nước, đặc biệt là ngân sách Nhà nước cho giáo dục đại học.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của cơ chế, chính sách phân bổ ngân sách nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, tăng cường tính minh bạch, giám sát.
Phương Liên