Tại tỉnh Quảng Trị, các xã Gio Hải, Trung Giang và thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) là các địa phương có lượng tàu đánh bắt hải sản lớn của tỉnh, với tổng số hơn 180 tàu trung và xa bờ. Tại đây, lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng biên phòng luôn tích cực tuyên truyền về đánh bắt thủy hải sản hợp pháp, tạo chuyển biến trong nhận thức cho bà con ngư dân.
Tại xã Gio Hải, trước chuyến ra khơi của ngư dân, các chiến sĩ biên phòng đến từng thuyền, tuyên truyền về các quy định IUU kèm theo hình ảnh minh họa.
Ngư dân Trần Văn Chiến (Tổ tàu thuyền đoàn kết của thôn 4, xã Gio Hải) cho hay: "Các cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền trực tiếp qua việc tổ chức các buổi họp, trao đổi với các tổ khai thác vùng biển xa về các quy định IUU. Qua đó, chúng tôi nhận thức được việc gỡ thẻ vàng mang lại lợi ích trực tiếp cho chính mình trong xuất khẩu thủy hải sản nên cùng chấp hành".
"Tôi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, mỗi chuyến từ 15-20 ngày. Sau khi được chính quyền tuyên truyền, hướng dẫn tôi hiểu hơn về các quy định đánh bắt trên biển, lợi ích từ thủy hải sản có nguồn gốc khai thác. Quyền lợi thuộc về chính ngư dân nên chúng tôi thường bảo nhau thực hiện đánh bắt nghiêm túc tại các vùng biển cho phép, ghi nhật ký cụ thể, rõ ràng", ngư dân Bùi Đình Hưng nói.
Tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, địa phương có đội tàu đánh bắt xa bờ lớn với hơn 500 tàu cá và hàng nghìn ngư dân hoạt động khắp các ngư trường trong cả nước.
Trung tá Nguyễn Văn Thương, Chính trị viên Đồn Biên phòng huyện Lý Sơn, cho biết: "Thời gian qua, lực lượng biên phòng thường xuyên phổ biến, tuyên truyền đến các chủ phương tiện, thuyền trưởng, thuyền viên thực hiện nghiêm chỉ đạo về chống khai thác IUU.
Việc tuyên truyền được tổ chức đúng người, đúng thời điểm và đầy đủ nội dung, trực tiếp đi trên các phương tiện của ngư dân. Ngoài ra, tuyên truyền vận động ngư dân gắn các thiết bị giám sát hành trình và quá trình khai thác trên biển mở máy 24/24 giờ".
Ngư dân Võ Lần (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết: "Trước đây ngư dân ít quan tâm trang bị lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá thì nay gần như tất cả các tàu khai thác xa bờ đều được lắp đặt thiết bị này.
Việc lắp thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có nhiều lợi ích, ngoài việc để cơ quan chức năng theo dõi, quản lý, phát tín hiệu cảnh báo mỗi khi tàu chuẩn bị vượt sang vùng biển của nước bạn, tránh được lỗi khai thác bất hợp pháp, còn dễ dàng giúp ngư dân trong các tình huống gặp phải sóng to, gió lớn, tai nạn trên biển".
Còn theo ngư dân Võ Sáu, chủ tàu QNg 97765 TS tỉnh Quảng Ngãi: "Trước đây hầu hết ngư dân chỉ suy nghĩ đơn giản ở đâu có cá nhiều thì đánh bắt nên nhiều khi có tình trạng khai thác sang ngư trường nước bạn. Giờ đây bà con đã hiểu làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, gây hại cho ngành thủy sản, cũng là gây hại cho chính mình, do đó ngư dân chỉ khai thác trong phạm vi vùng biển của nước mình".
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, hiện trên địa bàn tỉnh có 2 cảng cá được Bộ NN&PTNT chỉ định đặt các văn phòng IUU để tăng cường giám sát nhằm tiến tới bảo đảm các tiêu chí gỡ thẻ vàng, gồm: Cảng Triệu Vân (huyện Triệu Phong) và Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh).
Cùng với lực lượng làm nhiệm vụ, các chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt cùng tham gia trực để quản lý triệt để tình trạng tàu cá "trốn" không cập cảng chỉ định nhằm tránh phí, thuế… công tác tuần tra, kiểm soát được tăng cường.
Thiếu tá Nguyễn Văn Anh, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt, cho biết: "Đơn vị thường xuyên phổ biến, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương về chống khai thác IUU, đặc biệt chúng tôi cũng lưu ý thuyền trưởng thực hiện nghiêm túc việc ghi nhật ký khai thác hải sản, báo cáo khai thác, lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát tàu cá theo đúng quy định; cách dò tần số khi tàu thuyền của ngư dân trong quá trình đánh bắt trên biển không may gặp sự cố cần trợ giúp."
Theo thiếu tá Nguyễn Văn Anh, từ đầu năm 2021 đến nay, địa bàn xã Trung Giang, Gio Hải và thị trấn Cửa Việt không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ.
"Việc cùng các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền về IUU đã góp phần nâng cao được ý thức của ngư dân. Bà con chấp hành nghiêm và không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Nếu việc này được tuân thủ nghiêm ngặt thì hành trình gỡ thẻ vàng của EC sẽ sớm hoàn thành", Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt nói thêm.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện toàn tỉnh có hơn 2.440 tàu thuyền các loại, trong đó có 841 tàu có chiều dài từ 6 m trở lên. Tổng cộng có gần 6.900 lao động. Hầu hết các tàu cá của ngư dân chấp hành nghiêm các quy định về chống khai thác IUU. Thuyền trưởng chấp hành thông báo trước 1 giờ cho Ban quản lý cảng cá trước khi rời, cập cảng; ghi và nộp nhật ký đầy đủ.
"Thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã triển khai thực hiện quyết liệt và đồng bộ nhằm ngăn chặn việc khai thác đánh bắt vi phạm IUU. Ý thức ngư dân được nâng cao thông qua các giải pháp tuyên truyền, không có tàu cá nào vi phạm, bị xử lý", ông Nam cho hay.
Còn ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hiện Quảng Ngãi đã có 2.850 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS trên tổng số 3.260 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên bắt buộc phải lắp đặt (đạt tỉ lệ 87,42%). Số tàu chưa lắp đặt VMS là 410 tàu (bao gồm 119 tàu đang hoạt động trong tỉnh, 219 tàu hoạt động ngoài tỉnh nhiều năm không về địa phương và 72 tàu nằm bờ).
"Thời gian qua, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân đầu tư các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, thiết bị để theo dõi tàu cá vào, xuất và nhập bến. Tất cả những nội dung liên quan đến gỡ thẻ vàng, tỉnh cam kết sớm khắc phục để góp phần cho thủy sản Việt Nam phát triển và xuất khẩu đi các nước, đem lại nguồn lợi chính đáng cho chính người dân", Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho hay.
Minh Trang