In bài viết

Hà Tĩnh: Gần 800.000 đối tượng chính sách vay vốn từ Nghị định số 78/NĐ-CP

(Chinhphu.vn) - Trong 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai cho vay 17 chương trình tín dụng. Doanh số cho vay đạt 18.006 tỷ đồng với 794.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.

19/08/2022 12:02
Hà Tĩnh: Gần 800.000 đối tượng chính sách vay vốn từ Nghị định số 78/NĐ-CP - Ảnh 1.

UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng chính sách.

Ngày 18/8, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác (2002-2022).

Đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách

Thực hiện Nghị định số 78, NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh đã tham mưu cả hệ thống chính trị cùng tham gia, xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách và không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Từ 2 chương trình tín dụng khi mới thành lập (2003), đến nay, NHCSXH tỉnh đã triển khai cho vay 17 chương trình tín dụng. Doanh số cho vay qua 20 năm đạt 18.006 tỷ đồng với gần 794.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách, HSSV được vay vốn.

Đến ngày 31/7/2022, tổng nguồn vốn hoạt động của NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh đạt 5.634,8 tỷ đồng, tăng 23,7 lần so với năm 2003, đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Tổng dư nợ đến 31/7/2022 đạt 5.584,7 tỷ đồng (tăng 30,2 lần so với khi mới thành lập) với 103.205 khách hàng còn dư nợ.

Trong 17 chương trình cho vay, có 15 chương trình ủy thác từng phần thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, 2 chương trình cho vay trực tiếp. Đến nay, toàn tỉnh có 52 hội cấp huyện, 733 hội cấp xã và 3.118 tổ tiết kiệm & vay vốn tham gia làm ủy thác.

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần tích cực thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, khắc phục tình trạng thiếu vốn sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Theo đó, vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tạo việc làm cho gần 115.000 lao động; hỗ trợ hàng nghìn hộ thoát ngưỡng đói nghèo, hơn 45.000 hộ cải thiệnđời sống.

Vốn ưu đại đã tạo điều kiện cho 47.000 hộ nghèo chuyển đổi nhận thức, cách thức làm ăn; hỗ trợ 2.473 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Trong 20 năm thực hiện Nghị định 78, đã có hơn 127.000 HSSV trong tỉnh có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hơn 200.000 công trình nước sạch và vệ sinh nông thôn được xây dựng; hơn 10.000 nhà ở cho hộ nghèo được sửa chữa hoặc xây mới; 802 hộ nghèo có nhà tránh lũ. Vốn tín dụng chính sách còn giúp khôi phục, phát triển một số ngành nghề truyền thống trên địa bàn...

Hà Tĩnh: Gần 800.000 đối tượng chính sách vay vốn từ Nghị định số 78/NĐ-CP - Ảnh 2.

UBND tỉnh Hà Tĩnh biểu dương các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị định 78.

Bảo đảm người nghèo được tiếp cận vốn ưu đãi nhanh nhất, thuận lợi nhất

Thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác giai đoạn đến năm 2030, NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh đặt mục tiêu nguồn vốn, dư nợ tăng trưởng bình quân hằng năm từ 8-10%; đến năm 2025 dư nợ đạt trên 8.000 tỷ đồng.

Bình quân hằng năm: Tỉ lệ nợ quá hạn dưới 0,1% tổng dư nợ; tỉ lệ thu hồi nợ đến hạn đạt trên 80%; tỉ lệ thu lãi hằng năm đạt trên 98% lãi phải thu; hơn 90% Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt, khá; 100% tổ thực hiện huy động tiền gửi tiết kiệm; tổ chức tốt việc giao dịch xã, tỉ lệ giải ngân, thu nợ đạt trên 90%.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải yêu cầu thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp, NHCSXH tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện chỉ thị, kết luận của Trung ương, của tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

NHCSXH tỉnh cần tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương để thực hiện chính sách; nâng cao chất lượng phục vụ; đảm bảo người dân được tiếp cận các dịch vụ tín dụng một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau", bảo đảm các đối tượng yếu thế, hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách đều được tiếp cận vay vốn tín dụng chính sách.