Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tây Nguyên (gồm các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) là khu vực còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội, trong đó, có công cuộc giảm nghèo. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của chính quyền địa phương, sự sâu sát của hệ thống NHCSXH trên địa bàn, nguồn vốn tín dụng ưu đãi nay đã bao phủ đến các bản làng vùng sâu, vùng xa.
Qua 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78 của Chính phủ (2002-2022), hộ nghèo và các đối tượng chính sách các tỉnh Tây Nguyên đã đưa nguồn vốn vào phát triển sản xuất, giảm được đói nghèo, đời sống dần được nâng cao.
Những con số nêu dưới đây chỉ phản ánh một phần nhỏ trong "bức tranh" giảm nghèo từ nguồn vốn ưu đãi của Nghị định số 78.
Tại huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk), một huyện có tới 66% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, tính đến nay, PGD NHCSXH huyện đã triển khai cho vay 15 chương trình tín dụng chính sách, với tổng nguồn vốn hoạt động đạt hơn 448 tỷ đồng. Nguồn vốn ưu đãi được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn, tập trung đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, ưu tiên vốn cho vay hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Toàn huyện đã có 51.132 lượt hộ nghèo được vay vốn, với doanh số cho vay đạt 1.655 tỷ đồng. Qua đó góp phần giúp trên 2.000 hộ thoát nghèo; tạo việc làm cho trên 900 lao động; 770 HSSV hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; 4.684 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn được xây dựng; hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa 1.601 ngôi nhà cho hộ nghèo...
Sức mạnh tổng hợp của các chính sách của Nhà nước nói chung, của nguồn vốn ưu đãi theo Nghị định số 78, của nỗ lực của hộ nghèo, huyện Lắk đã không còn là hộ nghèo theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng) cho biết NHCSXH huyện đã triển khai cho vay 16 chương trình tín dụng chính sách với tổng doanh số cho vay từ khi thành lập đến nay là 1.004,675 tỷ đồng, với 52.509 lượt khách hàng được vay vốn.
Tổng dư nợ đến 30/6/2022 đạt 320,654 tỷ đồng với 5.814 khách hàng với 8.527 món vay còn dư nợ, tăng 310.698 triệu đồng so với khi mới thành lập (tăng 31,2 lần).
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ hơn 13.790 hộ thoát nghèo, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện qua các giai đoạn: 2005 - 2010 giảm 11,3% còn 21,37%; 2010 - 2015 giảm 16,37% còn 5%, giai đọan 2015 - 2020 giảm 3,37% còn 1,63, đến cuối năm 2021, đánh giá theo tiêu chí mới là 1,97%.
20 năm qua, tại huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum), một trong số 74 huyện nghèo của cả nước, dù còn nhiều khó khăn nhưng vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ là động lực quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
PGD NHCSXH huyện cho biết vốn ưu đãi đã tạo điều kiện cho hơn 24.000 khách hàng được vay vốn; tạo việc làm cho 1.170 lao động; 72 HSSV được vay vốn học tập; 3.196 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được sửa chữa, nang cấp; 1.678 căn nhà cho hộ nghèo và hộ gia đình chính sách được cải tạo, xây mới; 171 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài.
Nguồn vốn chính sách đã hỗ trợ hơn 4.000 hộ thoát nghèo, góp phần kéo giảm tỉ lệ hộ nghèo của huyện. Đến cuối năm 2021, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện tính theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm xuống còn 23,38% từ mức 32,69% giai đoan 2016-2020.
Ở một huyện nghèo khác, huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông), 20 năm qua, vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm 35% hộ nghèo trên địa bàn.
Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78, UBND huyện Tuy Đức cho biết đến hết tháng 6/2022, nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đang được NHCSXH triển khai thông qua 13 chương trình tín dụng.
Toàn huyện có gần 8.670 hộ nghèo được vay vốn, với tổng dư nợ trên 485 tỷ đồng. Thông qua 184 tổ tiết kiệm và vay vốn, tón dụng ưu đãi đã bao phủ đến 100% thôn, bon, buôn, bản.
Nguồn vốn ưu đãi đã góp phần rất lớn giúp huyện giảm tỉ lệ hộ nghèo. Đến cuối năm 2021, tỉ lệ hộ nghèo tại huyện Tuy Đức còn 45,2% (theo tiêu chí mới), giảm hơn 35% so với năm 2008.
Qua 20 năm thực hiện Nghị định số 78, trên địa bàn huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), từ 2 chương trình tín dụng ban đầu, đến nay, PGD NHCSH huyện đã triển khai 18 chương trình tín dụng. Doanh số cho vay đạt 1.107 tỷ đồng với 53.437 lượt hộ vay. Tổng dư nợ tính đến ngày 30/6/2022 đạt 363,4 tỷ đồng (tăng 172,9 lần so với năm 2003) với 10.404 hộ còn dư nợ.
Nguồn vốn ưu đãi đã giúp cho 13.725 hộ vay vốn thoát nghèo, 3.994 hộ vay vốn ra khỏi danh sách cận nghèo, góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện nói riêng, tỉnh Đắk Nông nói chung.
Qua 20 năm thực hiện Nghị định số 78 nói riêng, có thể thấy rõ rằng tín dụng chính sách xã hội là điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà , góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Ở các tỉnh miền núi nói chung, Tây Nguyên nói riêng, tín dụng chính sách xã hội đã làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, từ mặc cảm, tự ti, sợ vay, không dám vay nay đã mạnh dạn vay vốn và làm ăn có hiệu quả. Qua đó đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của đời sống, giảm đói nghèo, bệnh tật, thất học và các tệ nạn xã hội, đẩy lùi nạn cho vay lãi nặng ở vùng nông thôn. Người dân dần tiếp cận được cách thức sản xuất hàng hóa, phát huy sự chủ động, sáng tạo để vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình.
Cách đây 20 năm, ngày 4/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Nghị định quy định: Tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là việc sử dụng các nguồn lực tài chính do Nhà nước huy động để cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống; góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói, giảm nghèo, ổn định xã hội.
Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam được thực hiện các nghiệp vụ: Huy động vốn, cho vay, thanh toán, ngân quỹ và được nhận vốn ủy thác cho vay ưu đãi của chính quyền địa phương, các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội, các hội, các tổ chức phi Chính phủ, các cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.