In bài viết

'Hành chính phục vụ': Cải cách để phục vụ người dân, doanh nghiệp

(Chinhphu.vn) - Sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương đã giúp các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, phục vụ người dân, doanh nghiệp theo đúng tinh thần “Hành chính phục vụ”.

14/09/2022 16:17
“Hành chính phục vụ”: Sự cải cách để phục vụ người dân, doanh nghiệp - Ảnh 1.

Đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết TTHC theo hướng cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết - Ảnh: VGP

Chính phủ chuẩn bị tổ chức hội nghị chuyên đề về đẩy mạnh cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân. Hội nghị sẽ đánh giá công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp từ năm 2021 đến nay và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2022-2025.

TTHC trên môi trường điện tử để thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi

Chia sẻ về công tác cải cách TTHC thời gian qua, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ) cho biết, để hiện thực hóa Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả các chương trình, chiến lược quan trọng quốc gia về cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành.

Nhiều Chương trình cải cách được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, như Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 (Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021), trong đó yêu cầu cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy định TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp.

Theo Chương trình này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau.

Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 (Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020) được ban hành với quan điểm lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm. Chương trình đặt ra mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% quy định, 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và sớm đưa vào vận hành Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.

Chính phủ cũng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết TTHC theo hướng cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết. Giao VPCP chủ trì, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương rà soát, đề xuất phương án phân cấp các TTHC cụ thể để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực thi các phương án phân cấp được phê duyệt. 

Bên cạnh đó, tập trung thực hiện rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2025 để nâng cao chất lượng phục vụ và hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.

“Hành chính phục vụ”: Sự cải cách để phục vụ người dân, doanh nghiệp - Ảnh 2.

Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị tập huấn trực tuyến triển khai một số nhiệm vụ và tích hợp 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 của Chính phủ tháng 3/2022- Ảnh: VGP

Giảm tầng nấc, khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC

Triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, từ năm 2021 đến nay, các bộ, cơ quan đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.758 quy định kinh doanh tại 143 văn bản quy phạm pháp luật. Một số bộ, cơ quan thực hiện tốt việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh như: Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Lao động-Thương binh và Xã hội, Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam...

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.107 quy định của 9 bộ, cơ quan. Theo đó, các bộ, cơ quan này sẽ ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung 188 văn bản quy phạm pháp luật.

Sau quá trình xây dựng, Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh được đưa vào vận hành. Đây là công cụ kỹ thuật số hỗ trợ cải cách, nơi tập trung thông tin, dữ liệu các quy định kinh doanh, phương án cắt giảm, đơn giản hóa đáp ứng nhu cầu tra cứu, tìm kiếm, theo dõi, đánh giá và là kênh tương tác trực tuyến giữa các bộ, ngành với các hiệp hội, doanh nghiệp trong tham vấn chính sách, quy định.

Đến nay, tại Cổng tham vấn đã cập nhật 17.687 quy định hiện hành, 352 quy định dự kiến ban hành trong 9 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.029 quy định kinh doanh để tham vấn các hiệp hội, doanh nghiệp và theo dõi quá trình thực thi các phương án cải cách.

Văn phòng Chính phủ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết 699/5.187 TTHC trên 100 lĩnh vực (chiếm 13.47%), theo đó sẽ sửa đổi, bổ sung 232 văn bản.

Ông Ngô Hải Phan cho biết, VPCP trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các phương án phân cấp nêu trên và tổ chức thực thi trong giai đoạn 2022-2025, sẽ giúp giảm tầng nấc, khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC của cơ quan hành chính, nâng cao hiệu quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức; đồng thời, giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC.

VPCP đã chủ trì, cùng các bộ, ngành, địa phương xây dựng, trình Lãnh đạo Chính phủ phê duyệt Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2025. 

Theo đó, sẽ tập trung rà soát, đơn giản hóa đối với 59 TTTH/nhóm TTHC trọng tâm ưu tiên trên 12 lĩnh vực gồm: Quản lý ngân sách nhà nước; tài sản công; quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, tài nguyên; quản lý đầu tư công; quản lý, sử dụng vỗn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; tổ chức bộ máy; cán bộ, công chức, viên chức; tổ chức chính quyền địa phương; thi đua, khen thưởng; quản lý đất đai; quản lý điều hành chính sách điện năng; giao thông đường bộ.

Việc đơn giản hóa TTHC nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước sẽ giúp phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan trong thực thi công vụ, nêu cao trách giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra, trên cơ sở quản lý rủi ro, tính tuân thủ của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021, Văn phòng Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với các chuyên gia, bộ, ngành, địa phương xây dựng Bộ nhận diện thương hiệu Bộ phận Một cửa các cấp để bảo đảm tính chuyên nghiệp với khẩu hiệu "Hành chính phục vụ" triển khai trong phạm vi toàn quốc.

Đến nay, nhiều bộ, ngành, địa phương đã triển khai áp dụng, phấn đấu trong năm 2023 sẽ hoàn thành, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong toàn hệ thống một cửa các cấp.

Cải cách TTHC góp phần đổi mới mạnh mẽ phương thức làm việc

Để hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, các nền tảng, hệ thống thông tin quan trọng của Chính phủ điện tử để phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được vận hành, phát triển, góp phần đổi mới mạnh mẽ phương thức làm việc, chuyển đổi số trong nội khối cơ quan hành chính nhà nước.

Đến nay, việc gửi, nhận văn bản điện tử có ký số giữa các cơ quan hành chính nhà nước ở cả cấp Trung ương và địa phương đã được triển khai theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp rút ngắn thời gian xử lý, giảm giấy tờ, bảo đảm công khai, minh bạch.

Theo ông Ngô Hải Phan, trong 8 tháng năm 2022, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia là trên 3,56 triệu văn bản. Tính đến nay đã có hơn 14,2 triệu văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông, trung bình có khoảng 550.000 văn bản/tháng. Theo số liệu cung cấp của các bộ, ngành, địa phương 98% các đơn vị đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp hành chính.

Việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử đã được triển khai quyết liệt tại nhiều bộ, ngành, địa phương như: Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính (ngành thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán), Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, An Giang, Bắc Giang, Bình Định, Bình Thuận, Hưng Yên, Kon Tum, Lạng Sơn, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang...

Xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử đã giúp tiết giảm chi phí và thời gian xử lý, nâng cao năng suất lao động, tăng cường công khai, minh bạch, cá thể trách nhiệm đơn vị, cá nhân trong giải quyết công việc.

Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia, Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ qua gần 2 năm triển khai, các hệ thống đã hoạt động liên tục, thông suốt, với 28.000 cán bộ, công chức trên toàn quốc tham gia vận hành, sử dụng hàng ngày, thực hiện các chế độ báo cáo định kỳ, cung cấp các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, báo cáo hàng ngày trên Hệ thống.

Về hạn chế còn tồn tại, ông Ngô Hải Phan cho biết, TTHC trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan đến đất đai, quản lý tài chính, đầu tư công, nội vụ, lao động, việc làm, y tế, giáo dục, hộ khẩu, kiểm tra chuyên ngành, xuất nhập khẩu… còn nhiều rào cản, quy định chồng chéo, phân cấp, phân quyền chưa đầy đủ, rõ ràng, gây bức xúc trong xã hội.

Việc đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh cũng như thực thi phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt còn chậm, thậm chí một số bộ, ngành vẫn chưa có phương án cắt giảm, đơn giản hóa trình Thủ tướng Chính phủ.

Vì vậy, ông Ngô Hải Phan cho rằng, cần tiếp tục nêu cao quan điểm gắn kết cải cách hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, cải cách dẫn dắt, ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ, thay vì chỉ tập trung chủ yếu vào áp dụng công nghệ và coi công nghệ là yếu tố quyết định, để hiện đại hóa nền hành chính, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc đánh giá nỗ lực cải cách của các cơ quan nhà nước và việc giám sát của người dân, doanh nghiệp để tạo sự công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết TTHC, tổ chức thực thi các phương án phân cấp trong giải quyết TTHC sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tập trung thực hiện có hiệu quả Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ giai đoạn 2022-2025 để nâng cao chất lượng phục vụ và hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.

Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy chuyển đổi số, thực hiện nghiêm Quy chế làm việc mới của Chính phủ.

Trong đó, tập trung ưu tiên triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Đồng thời, thực hiện đánh giá nỗ lực cải cách quy định kinh doanh, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công bằng dữ liệu và theo thời gian thực tại bộ, ngành, địa phương.

Gia Huy