Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 29/7, tại Đà Nẵng, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảo "Khung đánh giá nỗ lực cải cách quy định kinh doanh và giải pháp công nghệ phân tích dữ liệu phục vụ thống kê, rà soát, cải cách quy định kinh doanh".
Ngày 12/5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Theo đó, lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, thúc đẩy, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tham gia hoạt động kinh doanh.
Theo mục tiêu của Nghị quyết 68, trong giai đoạn 2020-2025, cắt giảm, đơn giản hoá ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ tại các văn bản đang có hiệu lực tính đến hết ngày 31/5/2020; giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định kinh doanh (QĐKD) thuộc thẩm quyền của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành quy định mới và thúc đẩy mạnh mẽ cải cách việc thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) cho biết, kết quả 6 tháng đầu năm 2022, đã cập nhật 12.451, công khai 9.440 QĐKD hiện hành; 352 QĐKD dự kiến ban hành trong 9 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và 591 phương án cắt giảm, đơn giản hóa QĐKD; cắt giảm, đơn giản hóa 641 QĐKD. Bên cạnh đó, có 2 bộ, cơ quan được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 183 QĐKD.
Đến nay, 9 bộ, cơ quan được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.107 QĐKD.
Thời gian tới, dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung 190 văn bản quy phạm pháp luật, gồm: 12 luật, 6 pháp lệnh, 74 nghị định, 3 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 95 thông tư, thông tư liên tịch.
Tại hội thảo, Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính đã giới thiệu chức năng và dữ liệu của Cổng Tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh, Bộ Chỉ số và bảng hiển thị các chỉ tiêu đánh giá nỗ lực cải cách QĐKD.
Theo đó, Bộ Chỉ số có vai trò quan trọng trong việc đánh giá nỗ lực cải cách QĐKD, góp phần tác động mạnh mẽ đến nhận thức, tư duy đổi mới và hành động của lãnh đạo các bộ, ngành. Đồng thời, là căn cứ để xác định tính hiệu quả của cải cách QĐKD các bộ, ngành đạt được ở mức nào, đâu là những hạn chế cần cải thiện.
Từ bộ chỉ số này, kết quả sẽ đo đếm được, lượng hóa được, dựa trên dữ liệu, theo thời gian thực và trực quan, đồng thời công khai, minh bạch, giám sát, đánh giá được các bộ ngành, cơ quan.
TS. Đặng Quang Vinh, chuyên gia cải cách thể chế cho biết theo kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam cần phát triển nhanh các dịch vụ internet di động 5G; mở rộng mạng internet có dây và không dây đến các vùng sâu, vùng xa để các nhóm yếu thế được tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ công trực tuyến.
"Kết nối hệ thống công nghệ thông tin và chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực giữa các hệ thống một cửa cấp bộ và cấp tỉnh, Cổng Dịch vụ công trực tuyến, Cổng Dịch vụ quốc gia và Hệ thống thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Xây dựng ứng dụng tra cứu thông tin về thủ tục hành chính và giấy phép dựa trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và cơ sở dữ liệu về quy định kinh doanh để doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các quy định và hỗ trợ việc tuân thủ các quy định", ông Đặng Quang Vinh đề xuất.
Minh Trang