Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã nhấn mạnh như vậy trước các đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 9/6/2022, khẳng định ý chí, cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về việc hoàn thành tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau trong nhiệm kỳ này.
Có hệ thống đường cao tốc là ước mơ của bất cứ quốc gia nào muốn phát triển, muốn hiện đại hóa bởi tính chất ưu việt của nó trong lưu thông và mở rộng giao thương, liên kết các vùng miền. Và phát triển cơ sở hạ tầng được xác định là một trong 3 khâu đột phá chiến lược để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong 20 năm qua, với nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, chúng ta mới hoàn thành được hơn 1.000km – con số quá khiêm tốn so với nhiều nước trong khu vực.
Do đó, mục tiêu trong 5 năm xây thêm 2.000 km để có được 3.000 km cao tốc vào năm 2025 là rất cao, là bước nhảy vọt về hạ tầng giao thông nhưng cũng là nhiệm vụ rất nặng nề. Tổng chiều dài của các tuyến đường cao tốc được triển khai và hoàn thành giai đoạn 2021-2025 gấp gần 4 lần giai đoạn 2015- 2020 (1.932/487 km). Tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách thực hiện đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025 cũng gấp gần 4 lần so với giai đoạn 2015-2020 (339 nghìn tỷ đồng/89 nghìn tỷ đồng).
Khối lượng công việc là rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay "giấc mơ cao tốc" không còn phải chờ "gió Đông" khi các điều kiện quan trọng để hiện thực hóa giấc mơ này đã sẵn sàng. Vấn đề đầu tiên và cũng là khó nhất vẫn là tiền ở đâu thì tới nay Quốc hội đã phân bổ 339 nghìn tỷ đồng, đủ điều kiện để triển khai dứt điểm các công trình trong giai đoạn tới đây. Các chính sách đặc thù cho dự án cũng đã được ban hành, mở hành lang pháp lý thông thoáng để rút ngắn thời gian triển khai. Nhờ đó, thủ tục đầu tư sẽ rút ngắn từ 1-2 năm, trước đây triển khai 2-3 năm thì tới đây chỉ triển khai trong 1 năm.
Đây là một trong những đại dự án mà Chính phủ dành sự quan tâm cao nhất, rốt ráo chỉ đạo triển khai trong thời gian qua. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo với thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành, các địa phương có tuyến cao tốc đi qua; thực hiện giao ban định kỳ hằng tháng để kiểm điểm tiến độ công việc, Bộ Giao thông vận tải và các chủ đầu tư thực hiện giao ban hằng tuần. Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thường xuyên trực tiếp thị sát, kiểm tra việc thi công các tuyến cao tốc, chỉ đạo xử lý ngay các vướng mắc. Việc Chính phủ ban hành 2 nghị quyết đặc thù (Nghị quyết 133, Nghị quyết 66) chỉ trong 3 tháng để giải quyết "bài toán" thiếu vật liệu đắp nền là một điều hiếm thấy dành cho một dự án, cho thấy sự quan tâm sát sao của Chính phủ.
"Gió Đông" đã có, vấn đề bây giờ là ý chí, quyết tâm, đoàn kết của những tay chèo đưa con thuyền "cao tốc" về đích đúng hẹn. Đó là quyết tâm của các nhà thầu, của mỗi cán bộ, công nhân trên công trường, của mỗi ban quản lý dự án… Và đặc biệt là quyết tâm của các địa phương, nơi dự án đi qua bởi đường cao tốc chính là "động mạch chủ", có tác động và sức lan tỏa mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. Địa phương làm cao tốc cũng chính là làm cho sự phát triển của mình. Khối lượng lớn gấp 4 lần thì cần phải có những nỗ lực gấp nhiều lần, nếu không, cái đích "hơn 3.000 km đường cao tốc sẽ không có cách nào đạt được. Phát triển hạ tầng thì không thể có "tư duy nhiệm kỳ", như Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã khẳng định trước Quốc hội.
Việc hiện thực hóa "giấc mơ cao tốc" không hề dễ dàng. Đường găng tiến độ của các dự án cao tốc được xác định là không thể lùi. Với sự quyết tâm, vào cuộc rốt ráo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ Giao thông vận tải, mục tiêu đạt được 3.000 km đường cao tốc có cơ sở để trở thành hiện thực, một hiện thực rất gần chứ không phải là giấc mơ xa vời.
Đức Tuân