•Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Venezuela (PCV) Eduardo Gallegos trong một lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Hà Nội, tháng 9/1964. Ảnh: Gia đình nhân vật cung cấp/TTXVN phát
Theo phóng viên TTXVN tại Lào, nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025), các tờ báo lớn của Lào như Pasaxon (Báo Nhân dân), Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào; Báo Pathet Lao, ấn phẩm của Hãng thông tấn xã Lào (KPL), đã đồng loạt đăng tải những bài viết ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, như "Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản", hay "Chủ tịch Hồ Chí Minh trên con đường tìm đường cứu nước".
Các bài viết đều khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng giải phóng dân tộc, là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc bị áp bức trên thế giới, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Các bài viết kết luận, Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ sống mãi trong lòng những chiến sĩ đấu tranh cho công lý, tự do và độc lập của dân tộc mình.
"Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Không có gì quý hơn độc lập tự do" - những câu nói này đã gây ấn tượng sâu sắc đối với tôi bởi chúng thể hiện ý chí quyết tâm không gì sánh được của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, mang lại độc lập tự do cho Việt Nam và điều quan trọng là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện đúng với những gì Người nói. Đây là những lời chia sẻ xúc động của học giả Thái Lan Songrit Pongern trong cuộc trò chuyện với phóng viên TTXVN tại Bangkok khi nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Người (19/5/1890 – 19/5/2025).
Là người sinh ra và lớn lên tại Udon Thani, một trong những địa phương Đông Bắc Thái Lan, từng ghi dấu hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tên gọi Thầu Chín giai đoạn 1928 – 1929, học giả Songrit cho biết ông được nghe những câu chuyện về Bác Hồ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, khi cuộc kháng chiến ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn ác liệt. Chính điều này đã thôi thúc ông tìm hiểu và nghiên cứu sâu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi bước chân vào trường Đại học Thammasat.
"Bác Hồ vẫn luôn ở cùng chúng ta. Những gì Người làm cho chúng ta, cho dân tộc Việt Nam của Người và các dân tộc bị áp bức, những điều Người đã dạy chúng ta bằng sự khiêm nhường và kiên định, chúng ta sẽ luôn mang theo và ghi nhớ trong tâm trí và trái tim mình", Tiến sĩ Sandra Scagliotti, nhà Việt Nam học, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại thành phố Turin và Genoa chia sẻ .
Bà Sandra đã xúc động nhắc lại suy nghĩ của Bác Hồ từ khi còn là chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành rằng "Có một trăm cách để tồn tại, chỉ có một cách để sống trọn vẹn: vì hạnh phúc của đồng bào", suy nghĩ mà theo bà Sandra rằng thể hiện một cuộc đời cống hiến cho đất nước và đồng bào của Bác.
Nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025), phóng viên TTXVN tại New Delhi đã phỏng vấn ông Pallab Sengupta - Bí thư Trung ương, Trưởng Ban đối ngoại Đảng Cộng sản Ấn Độ (CPI), Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Thế giới về vai trò di sản của Người đối với thời đại ngày nay.
Ông Pallab Sengupta dẫn quan điểm của CPI cho rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vĩ nhân trong cuộc đấu tranh toàn cầu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, chủ nghĩa xã hội và chống chủ nghĩa đế quốc.
CPI coi Người là biểu tượng của sự phản kháng, sự kiên trì và cam kết không lay chuyển đối với sự nghiệp của nhân dân. Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là ngọn hải đăng chỉ đường cho tất cả những người cộng sản đấu tranh cho công lý và chủ nghĩa xã hội.
CPI tin rằng bằng cách phát huy di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam sẽ tiếp tục tiến tới thịnh vượng, công bằng xã hội và chủ nghĩa xã hội.
Trong chặng đường bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt chân đến Hong Kong (Trung Quốc) để hoạt động cách mạng dưới tên gọi Tống Văn Sơ trong khoảng thời gian đầu những năm 1930.
Nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, phóng viên TTXVN tại Hong Kong đã phỏng vấn các nhân sĩ có nhiều năm nghiên cứu về thân thế và sự nghiệp của Người, cũng như từng có cơ hội được gặp Bác Hồ tại Việt Nam để tìm hiểu những tâm tư, tình cảm và kỷ niệm đối với vị cha già dân tộc.
Nhà nghiên cứu Lý Minh Hán, cố vấn bộ phim "Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong" cho biết nhân cách con người, phẩm chất đạo đức và bản lĩnh cách mạng của người cộng sản là một phần di sản vô cùng quý báu mà Nguyễn Ái Quốc đã để lại ở Hong Kong.
Mặc dù đã hơn 80 tuổi, nhưng ông Lý Minh Hán vẫn có thể ngồi hàng giờ để say mê kể về chặng đường nghiên cứu thân thế và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như cơ duyên đưa ông đến việc đi sâu nghiên cứu về Người. Theo ông Lý Minh Hán, ngay từ nhỏ vợ ông là bà Phùng Lệ Quyên đã được cha mình là ông Phùng Hồng, một đầu bếp nổi tiếng kể cho nghe về ấn tượng sâu đậm khi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những năm 1959-1961, ông Phùng Hồng, cha của bà Phùng Lệ Quyên làm đầu bếp tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Việt Nam. Khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai trong chuyến thăm Việt Nam đã tổ chức chiêu đãi thân mật Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và ông Phùng Hồng được chọn làm đầu bếp để phục vụ sự kiện trên.
Tại đây, ông Phùng Hồng không chỉ được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn được Người trực tiếp động viên, thăm hỏi và nói chuyện bằng tiếng Quảng Đông nên vô cùng xúc động.
Có lẽ chính sự kính trọng, yêu mến và rất đỗi khâm phục đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được ông Phùng Hồng gửi gắm và định hướng để cô con gái của mình theo học chuyên ngành tiếng Việt.
Xúc động chia sẻ với phóng viên, ông Trần Phục Hưng, Hoa kiều sinh ra và lớn lên tại Việt Nam vẫn nhớ như in kỷ niệm được gặp Bác Hồ tại Trường trung học Hoa kiều tại Hà Nội vào mùa Hè năm 1956. Ông Trần Phục Hưng bồi hồi nhớ lại khi cả lớp đang ngồi học bài thì nhận được thông báo nhanh chóng di chuyển xuống khu vực sân trường để gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, khiến mọi người vô cùng phấn khởi.
Ông Trần Phục Hưng nhớ lại tại cuộc gặp, Bác Hồ cho biết mình đã đến nhà bếp xem tình hình ăn uống của các cháu, các cháu ăn có ngon miệng không, vệ sinh nhà bếp có tốt không, sau đó Bác Hồ đến khu ký túc xá, đi một vòng, cuối cùng là đến phòng học của các bạn.
Khi đó Bác Hồ còn biểu dương các bạn học sinh, các cháu học tập rất nghiêm túc, chăm chỉ, giữ yên tĩnh. Nhiều năm đã trôi qua, nhưng sự quan tâm săn sóc của Bác Hồ dành cho các học sinh Hoa kiều cùng lời căn dặn hãy chăm chỉ học tập, sau khi tốt nghiệp có thể tham gia quá trình xây dựng Việt Nam luôn khắc sâu trong lòng ông Trần Phục Hưng.
Chia sẻ những cảm xúc khi may mắn có dịp được gặp Bác Hồ, bà Liêu Hoa Mai – Hội trưởng Hội liên hiệp người Hoa đến từ Việt Nam-Campuchia-Lào tại Hong Kong, kể lại bà đã vinh dự được vào thăm Phủ Chủ tịch nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Chu Ân Lai.
Khi ấy Bác Hồ đã ân cần thăm hỏi tên tuổi và tình hình học tập của bà Liêu Mai Hoa. Trong ấn tượng của bà dù khi ấy còn rất nhỏ, Bác Hồ rất hiền từ và ấn tượng đó mãi không thể nào quên. Cha của bà Liêu Hoa Mai là ông Liêu Thăng cũng tham gia cách mạng tại Việt Nam. Lúc cha của bà rời Việt Nam, Bác Hồ cũng ký tên tặng Huân chương kháng chiến, tấm bằng khen đó hiện được lưu giữ tại viện bảo tàng ở Bắc Kinh.
•Giáo sư - Tiến sỹ María Enriqueta Gallegos, con gái Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Venezuela (PCV) Eduardo Gallegos thắp hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại sứ quán Việt Nam ở Venezuela nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Người. Ảnh: ĐSQ cung cấp/TTXVN phát
Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Chile Claudio De Negri vẫn nhớ như in âm hưởng Bài Ca Hồ Chí Minh mà ông và hàng nghìn người dân Chile hát vang tại quảng trường lớn tại thủ đô Santiago de Chile trong cuộc diễu hành ủng hộ Việt Nam vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước.
"Ho, Ho, Ho Chi Minh: Chúng ta sẽ chiến đấu đến cùng!" là điệp khúc của Bài Ca Hồ Chí Minh phiên bản tiếng Tây Ban Nha mà cậu sinh viên Claudio De Negri vừa hát, vừa giơ cao tay giữa biển người, cho dù tại thời điểm đó Negri cũng như đa số người dân Chile chưa một lần được gặp Bác, cũng như có cơ hội tiếp xúc với nhân dân của đất nước Việt Nam xa xôi cách nửa vòng trái đất.
Chia sẻ về những năm tháng tuổi trẻ, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Đảng Cộng sản Chile Claudio De Negri cho biết trong những năm 60 của thế kỷ trước, ông và hàng chục thanh niên Chile theo tư tưởng tiến bộ đã nhiều lần bí mật vẽ áp phích, tranh tường về Hồ Chí Minh và Việt Nam dán tại nhiều địa điểm công cộng của thủ đô Santiago de Chile, bất chấp lệnh cấm của chính quyền đương thời và có thể dẫn đến việc bị bắt giữ và tù tội.
Nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trước thềm lễ kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Người (19/5/1890 – 19/5/2025), ông Negri - người từng đảm nhận vai trò Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Chile tại Việt Nam – khẳng định tình cảm của ông, cũng như người dân Chile thời điểm đó dành cho Hồ Chủ tịch và nhân dân Việt Nam đến một cách tự nhiên, bắt nguồn từ sự tương đồng về lý tưởng đấu tranh vì tự do và hòa bình.
Trong khi đó, từ thủ đô Quito của Ecuador, ông Juan Meriguet Martínez, Ủy viên Ban lãnh đạo đảng Somos Patria (Chúng ta là tổ quốc) cho biết trong những năm 60-70 của thế kỷ trước, từ thanh thiếu niên cho đến người già tại Ecuador đều chú ý tới những tin tức thời sự từ Việt Nam.
Đặc biệt, tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như các bài viết và tư tưởng của Người đã trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình hình thành, phát triển cũng như đóng vai trò kim chỉ nam cho hành động của phong trào cách mạng tại Mỹ Latinh và Ecuador, qua đó tạo nên mặt trận ủng hộ Hồ Chí Minh và Việt Nam trên quy mô thế giới.
Trong khi đó, dành sự ngưỡng mộ sâu sắc trước thiên tài chính trị - quân sự Hồ Chí Minh, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Peru Hidebrando Cahuanca Segovia khẳng định Bác Hồ chính là người chèo lái, dẫn dắt nhân dân Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ mang lại độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ, mà còn mang tính thời đại trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước sau này.
Theo ông Segovia, Tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc, đặc biệt là quan điểm "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", đã trở thành tuyên ngôn của mọi người dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có người dân Mỹ Latinh. Tinh thần của lời kêu gọi đã tạo nguồn cảm hứng, khích lệ to lớn với cuộc đấu tranh giải phóng giành độc lập của các nước Mỹ Latinh.
Cùng lúc đó, từ Mexico, thẩm phán Ricardo Alfredo Sodi Cuellar, Chủ tịch Tòa án Công lý bang Mexico (Estado de Mexico) khẳng định với phóng viên TTXVN rằng ngoài việc Mexico là một trong những quốc gia có nhiều bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất thế giới, nước này còn có một giảng đường quy mô lớn mang tên Hồ Chí Minh tại Đại học Tự trị Quốc gia Mexico (UNAM).
Theo thẩm phán Ricardo Alfredo Sodi Cuellar, điều này thể hiện rõ nét rằng hình tượng Hồ Chí Minh không chỉ được nhân dân Mexico yêu quý và ngưỡng mộ, mà tư tưởng của Người còn được giới học thuật và tầng lớp tinh hoa Mexico trân trọng và nể phục.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà yêu nước vĩ đại của Việt Nam không chỉ thuộc duy nhất về nhân dân Việt Nam mà còn là vị lãnh tụ vĩ đại của phong trào cách mạng thế giới, của phong trào cộng sản quốc tế - là lời khẳng định của bà Poldi Sosa Schmidt, Chủ tịch Viện Văn hóa Argentina - Việt Nam.