In bài viết

Hoàn thiện quy định về phân quyền, phân cấp giữa Trung ương và địa phương

(Chinhphu.vn) - Ngày 29/3, tại tỉnh Hoà Bình, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường chủ trì Hội thảo khoa học “Hoàn thiện quy định pháp luật về phân quyền, phân cấp giữa Trung ương và chính quyền địa phương ở Việt Nam”.

29/03/2024 20:21
Hoàn thiện quy định về phân quyền, phân cấp giữa Trung ương và địa phương- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường: Bộ Nội vụ tiến hành đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp hoàn thiện phân quyền, phân cấp giữa Trung ương và chính quyền địa phương, tập trung trước hết vào các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành Nội vụ - Ảnh: VGP/LS

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các vụ thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ; lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Hoà Bình; các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo, quản lý đến từ các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Triệu Văn Cường cho biết: Thực hiện nhiệm vụ trong Chương trình khoa học trọng điểm cấp Bộ “Tổ chức hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả” giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Nội vụ tiến hành điều tra, đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp hoàn thiện phân quyền, phân cấp giữa Trung ương và chính quyền địa phương, tập trung trước hết vào các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành Nội vụ như tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; quản lý cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng chính quyền địa phương và địa giới hành chính; hội và tổ chức phi chính phủ. 

Hội thảo nhằm tập hợp, tiếp thu ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý về nội dung, giải pháp hoàn thiện các quy định của pháp luật về phân quyền, phân cấp trong quản lý nhà nước giữa Trung ương và chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay, tập trung vào một số lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành Nội vụ.

Thứ trưởng nhấn mạnh, phân cấp, phân quyền là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình đổi mới, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy tính năng động, sáng tạo của các địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới của đất nước. 

Bộ Nội vụ là cơ quan tham mưu cho Đảng, Nhà nước, đồng thời thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng chính quyền địa phương và địa giới hành chính; hội và tổ chức phi chính phủ… là những nội dung quan trọng gắn với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị, đảm bảo sự vận hành hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước và phục vụ nhân dân. "Do vậy, việc hoàn thiện quy định pháp luật về phân quyền, phân cấp trong các lĩnh vực nói trên đối với Bộ và ngành Nội vụ là yêu cầu cấp bách", Thứ trưởng Triệu Văn Cường nêu rõ.

Thực tế hiện nay, hệ thống quy định pháp luật về phân quyền, phân cấp nói chung và trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ và ngành Nội vụ nói riêng đã có những bước tiến quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập cần được khắc phục, như: quy định chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ; một số lĩnh vực, quyền hạn chưa được phân định rõ ràng, dẫn đến tình trạng chồng chéo, gây khó khăn trong thực thi; công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện phân quyền, phân cấp còn lỏng lẻo, chưa đáp ứng yêu cầu…

Ông Triệu Văn Cường bày tỏ tin tưởng với sự tham gia đóng góp ý kiến của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo, quản lý trong các lĩnh vực pháp luật, tổ chức hành chính nhà nước, của các đại biểu đại diện cho các địa phương sẽ giúp cơ quan quản lý có thêm căn cứ cả về lý luận và thực tiễn để đề xuất các nội dung, giải pháp hoàn thiện hệ thống quy định của pháp luật về phân quyền, phân cấp nói chung và trong các lĩnh vực thuộc phạm vi, chức năng quản lý nhà nước của Bộ và ngành Nội vụ nói riêng.

Hoàn thiện quy định về phân quyền, phân cấp giữa Trung ương và địa phương- Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự Hội thảo tại tỉnh Hòa Bình ngày 29/3 - Ảnh: VGP/LS

Với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo, quản lý tham dự Hội thảo đã tập trung trao đổi, thảo luận nhằm làm rõ hơn các luận cứ khoa học về các vấn đề lý luận và thực tiễn về phân quyền, phân cấp giữa Trung ương và chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay; thực trạng pháp luật về phân quyền, phân cấp giữa Trung ương và chính quyền địa phương ở Việt Nam cùng các định hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về phân quyền, phân cấp giữa Trung ương và chính quyền địa phương ở Việt Nam, cả trước mắt và lâu dài.

Trong đó, có thực trạng phân quyền, phân cấp giữa Trung ương và địa phương trong 04 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành Nội vụ, gồm: tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; quản lý cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng chính quyền địa phương và địa giới hành chính; hội và tổ chức phi chính phủ, qua các cấp hành chính cùng định hướng và giải pháp hoàn thiện các quy định cho vấn đề nói trên..

Đặc biệt, các giải pháp về cơ chế phối hợp, cơ chế kiểm tra, giám sát đối với nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền, phân cấp cho chính quyền địa phương trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành Nội vụ và việc sửa đổi các văn bản, quy định có liên quan; điều kiện về tổ chức, tài chính, ngân sách, cơ sở vật chất… để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền, phân cấp của chính quyền địa phương trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành Nội vụ và việc sửa đổi các văn bản, quy định có liên quan…

Đây là cơ sở quan trọng để Bộ Nội vụ với vai trò là cơ quan tham mưu, xây dựng chính sách xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền, xây dựng, sửa đổi các văn bản, các quy định có liên quan một cách chính xác, phù hợp gắn với điều kiện cụ thể của địa phương.

LS