• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Tập trung vào vấn đề tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

(Chinhphu.vn) – Ủy ban Pháp luật tán thành đề nghị của Chính phủ là chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong đó tập trung vào vấn đề tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các thiết chế hành chính nhà nước.

18/04/2019 16:01
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 33 diễn ra vào chiều 18/4.

Luật sửa đổi, bổ sung dự kiến sửa đổi, bổ sung 4 điều của Luật Tổ chức Chính phủ và 23 điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung này được xây dựng gồm 3 Điều, trong đó Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ; Điều 2 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Điều 3 hiệu lực thi hành.

Dự án Luật được xây dựng với mục tiêu thể chế hóa các chủ trương của Đảng, trọng tâm là Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII, thực hiện Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm sự phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013.

Đồng thời, hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương, khắc phục các hạn chế, bất cập, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm sự thống nhất, thông suốt của bộ máy hành chính nhà nước; phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, việc xây dựng và ban hành luật là cần thiết vì qua gần 3 năm triển khai thực hiện, bên cạnh các kết quả đã đạt được, một số quy định hiện hành của 2 Luật cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Cụ thể, đối với Luật Tổ chức Chính phủ, việc giao Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện làm giảm tính chủ động của địa phương trong việc tổ chức và thành lập các cơ quan chuyên môn phù hợp với điều kiện, đặc điểm đặc thù ở mỗi địa phương.

Cùng với đó, việc giao Chính phủ có thẩm quyền quyết định biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước hạn chế tính chủ động và chưa đề cao được trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ (thực tế hiện nay Thủ tướng Chính phủ đang quyết định giao và điều chỉnh biên chế công chức).

Nội dung quy định thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang Bộ trong việc bổ nhiệm, biệt phái, điều động, luân chuyển, kỷ luật, cho từ chức, miễn nhiệm đối với cán bộ, công chức tại Luật Tổ chức Chính phủ chưa phù hợp với một số các quy định của Đảng và của pháp luật về cán bộ, công chức hiện nay.

Thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ theo quy định hiện hành vẫn còn bị hạn chế trong việc quyết định thí điểm thành lập các tổ chức thuộc cơ cấu bên trong của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ cấu bên trong của UBND, cơ quan chuyên môn thuộc UBND, đơn vị sự nghiệp công lập, làm cơ sở để thử nghiệm các mô hình quản lý mới, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách công vụ, công chức, nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn. 

Đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, một số quy định của Luật về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền chưa được quy định rõ, nhất là chủ thể thực hiện ủy quyền gây khó khăn trong việc áp dụng và hạn chế hoạt động của chính quyền địa phương các cấp. Luật chưa có quy định để tạo cơ sở cho các luật chuyên ngành quy định cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn không được phân cấp, ủy quyền nhằm tránh việc phân cấp, ủy quyền tràn lan, làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương.

Việc tăng số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện chưa phù hợp với tình hình tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương; việc quy định số lượng Phó Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện hoạt động chuyên trách đã làm tăng biên chế của chính quyền địa phương trong bối cảnh cả nước thực hiện Nghị quyết của Trung ương về tinh giản biên chế.

Ở cấp xã, việc thực hiện quy định của Luật về số lượng Phó Chủ tịch UBND theo phân loại hành chính cơ bản phù hợp với cấp tỉnh, cấp huyện, song đã làm giảm số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại 2, loại 3 chỉ còn 1 Phó Chủ tịch, gây khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã.

Việc không thành lập Tổ đại biểu HĐND cấp xã là chưa phù hợp với thực tế hoạt động của HĐND cấp xã, nhất là trong triển khai thực hiện nhiệm vụ giám sát và hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND cấp xã tại các thôn, tổ dân phố theo từng đơn vị bầu cử đại biểu HĐND trên địa bàn cấp xã.

Ngoài ra, Luật không quy định thẩm quyền phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cấp xã là chưa phù hợp. Thực tế cho thấy, UBND cấp xã vẫn phải đề ra kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm trên địa bàn trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch của cấp trên và nghị quyết của cấp ủy đảng cùng cấp. Vì vậy, nhiều địa phương vẫn đề nghị bổ sung quy định thẩm quyền của UBND cấp xã xây dựng trình HĐND cấp xã thông qua để trình UBND cấp huyện phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cấp xã trước khi triển khai thực hiện.

Quy định của Luật về cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã ở hải đảo như các đơn vị hành chính trong đất liền là chưa phù hợp với các đặc thù, đặc điểm khác biệt của các đơn vị hành chính ở hải đảo.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Kế hoạch số 07-KH/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã nêu nhiều nhiệm vụ, giải pháp để tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị, trong đó có tổ chức bộ máy của Chính phủ và chính quyền địa phương.

Vì vậy, Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành luật thời gian qua.

Nội dung dự án Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật; tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.  

Hồ sơ, tài liệu về dự án Luật được cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng, bảo đảm đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật, Ủy ban Pháp luật tán thành đề nghị của Chính phủ trong lần này là chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong đó tập trung vào vấn đề tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các thiết chế hành chính nhà nước. Đối với những nội dung khác được đề cập trong Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội thì có thể được cụ thể hóa, thể chế hóa bằng các văn bản dưới luật, các chương trình, đề án và trong quá trình đổi mới hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, chính quyền địa phương...

Tuy nhiên, qua rà soát, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, giải trình rõ trong các nội dung, thứ nhất, Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 56/2017/QH14 đã đề ra nhiệm vụ tiếp tục nghiên cứu, kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, năng động. Trong đó, cần điều chỉnh hợp lý chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ; tiến hành rà soát, chuyển một số nhiệm vụ mà các Bộ, ngành, cơ quan nhà nước không cần thiết phải thực hiện cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đảm nhận; xã hội hóa dịch vụ công, đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, đổi mới phương thức làm việc, giảm hội họp, giảm giấy tờ hành chính,… 

Đồng thời đề nghị làm rõ chức năng, nhiệm vụ, tính chất và yêu cầu hoạt động của các cơ quan thuộc Chính phủ phù hợp với đặc thù công việc để xác định mô hình tổ chức thích hợp, không áp dụng mô hình tổ chức như của các Bộ theo đúng yêu cầu của Quốc hội được xác định trong Nghị quyết số 56/2017/QH14.  Về phân quyền, phân cấp giữa trung ương và địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới chỉ quy định mang tính nguyên tắc về quan hệ giữa Chính phủ và chính quyền địa phương mà chưa có những quy định cụ thể về phân quyền, phân cấp, ủy quyền.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để Chính phủ thực hiện được nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước trên phạm vi toàn quốc mà vẫn bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vi được phân quyền, phân cấp. Đây cũng là vấn đề mà Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 56/2017/QH14 đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu, thể chế hóa chủ trương, định hướng nêu trên để bổ sung vào nội dung sửa đổi, bổ sung hai luật này và các luật có liên quan.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn  Hoàng

Ông Nguyễn Khắc Định cũng cho biết, có ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cho rằng, mô hình tổ chức chính quyền địa phương trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương còn quy định tương đối đồng nhất giữa các loại đơn vị hành chính, chưa có sự phân biệt giữa các đơn vị hành chính ở nông thôn, hải đảo và đô thị; nhiều trường hợp còn có tư tưởng bình quân, cào bằng. Vì vậy, đề nghị dự thảo Luật cần có những quy định mang tính linh hoạt hơn, để trường hợp cần thiết, Quốc hội có thể cho phép áp dụng thí điểm mô hình chính quyền địa phương phù hợp ở từng loại đơn vị hành chính.

Về những nội dung sửa đổi, bổ sung trong Luật Tổ chức Chính phủ, Tờ trình của Chính phủ đề nghị sửa đổi 4 điều (Điều 23, Điều 28 và Điều 34, Điều 40) của Luật Tổ chức Chính phủ. Về nội dung này, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi, bổ sung Điều 23 của Luật Tổ chức Chính phủ theo hướng Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và quy định về tiêu chí thành lập, số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của một tổ chức thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành, chính quyền địa phương. Quy định như vậy đã quán triệt tinh thần của Trung ương là đẩy mạnh phân cấp và tạo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương. Tuy nhiên, cũng có ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cho rằng, theo quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành, Chính phủ hoàn toàn có cơ sở để quy định vấn đề này và trên thực tế Chính phủ vẫn đang thực hiện mà không có vướng mắc gì. 

Có ý kiến cho rằng, khoản 4a Điều 28 quy định việc hình thành tổ chức hành chính căn cứ vào số lượng biên chế tối thiểu là chưa thực sự phù hợp. Về nguyên tắc, việc hình thành tổ chức mới phải xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức và do đó, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức sẽ quyết định quy mô của tổ chức đó, chứ không phải xuất phát từ biên chế. Việc dự thảo Luật tiếp cận cách hình thành tổ chức dựa vào biên chế thì rất khó để thực hiện được chủ trương tinh giản biên chế của Đảng.

Liên quan đến cơ cấu tổ chức bên trong của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, có ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị dự thảo Luật cần làm rõ nội hàm và thống nhất việc sử dụng các thuật ngữ “cơ quan hành chính”, “cơ quan hành chính nhà nước”, “tổ chức bộ máy hành chính nhà nước”, “tổ chức khác thuộc cơ quan thuộc Chính phủ”, “tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện”.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Khắc Định cũng nêu lên những quan điểm của Ủy ban Pháp luật đối với dự án Luật về những nội dung sửa đổi, bổ sung trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong đó có các nội dung liên quan đến vấn đề phân quyền, phân cấp và ủy quyền; cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND; tổ chức chính quyền địa phương ở hải đảo; hoạt động của HĐND, đại biểu HĐND; bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương; tiêu chuẩn của các đơn vị hành chính;…

Nguyễn Hoàng