In bài viết

Hoàn thiện thể chế gắn với tổ chức thi hành pháp luật là nhiệm vụ quan trọng

(Chinhphu.vn) - Chiều 14/9, tại Phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh và nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022.

14/09/2022 17:04
Hoàn thiện thể chế gắn với tổ chức thi hành pháp luật là nhiệm vụ quan trọng   - Ảnh 1.

Bộ trưởng Lê Thành Long: Xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật là nhiệm vụ quan trọng, đóng góp trực tiếp vào phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Chuẩn bị kỹ lưỡng các dự thảo 

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế gắn với tổ chức thi hành pháp luật được xác định là nhiệm vụ quan trọng, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật. Công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật tiếp tục là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

Về kết quả xây dựng, trình dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết cho thấy, từ tháng 10/2021 đến nay, Chính phủ đã xem xét, cho ý kiến 24 đề nghị xây dựng và 19 dự án luật, dự thảo nghị quyết. 

Trong năm 2022, Chính phủ đã tổ chức 5 phiên họp chuyên đề để xem xét, cho ý kiến đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Quy trình cho ý kiến thông qua các dự án, dự thảo được Chính phủ xem xét chặt chẽ hơn. Các dự án, dự thảo được các bộ chuẩn bị kỹ lưỡng, có dự thảo văn bản quy định chi tiết kèm theo.

Tính từ ngày 01/10/2021 đến ngày 01/8/2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 110  văn bản quy định chi tiết. Cụ thể đến ngày 01/8/2022 như sau: Đối với 70/110 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết có hiệu lực trước ngày 01/8/2022, đã ban hành được 59/70 văn bản, còn lại 11/70 văn bản nợ, chưa ban hành; đối với 40/110 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết có hiệu lực sau ngày 01/8/2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo các bộ xây dựng, trình ban hành.

Kết quả công tác rà soát văn bản thường xuyên, trên cả nước trong năm 2021 (gồm cả Bộ Tư pháp) cho thấy, tổng số văn bản phải được rà soát là 32.230 văn bản; tổng số văn bản đã được rà soát là 31.703 văn bản; tổng số văn bản đã được xử lý sau rà soát 5.939 văn bản.

Theo đó, từ ngày 01/10/2021 đến ngày 01/8/2022 số lượng văn bản cần hợp nhất là 123 văn bản (tăng 13 văn bản); số lượng văn bản đã được hợp nhất từ ngày 01/10/2021 đến ngày 01/8/2022 là 78/123 văn bản (đạt 63,4%). Các cơ quan thực hiện pháp điển đã hoàn thành 43 đề mục (trong đó 12 đề mục đã được Chính phủ phê duyệt, 31 đề mục đang được trình Chính phủ).

Từ ngày 22/9/2021 đến ngày 22/7/2022, Bộ Tư pháp đã kiểm tra được 3.695 văn bản, trong đó có 473 văn bản do cấp bộ ban hành và 3.222 văn bản do địa phương ban hành. Kết quả đã phát hiện và kết luận 52 văn bản có quy định trái pháp luật. Đến nay, đã xử lý được 47/52 văn bản; còn 05/52 văn bản chưa xử lý.

Đẩy nhanh tiến độ thanh tra các vụ việc phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền đã đạt được những kết quả, chuyển biến tích cực. 

Công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục được tăng cường, tập trung vào những lĩnh vực có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ thanh tra các vụ việc phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm. 

Trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, các ngành, các cấp đã đẩy mạnh việc thực hiện điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng.

Từ ngày 01/10/2021 đến ngày 01/8/2022, Bộ Tư pháp đã thực hiện thẩm định đối với 380 thủ tục hành chính (TTHC) tại 46 đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo. Theo đó, đã đề nghị không quy định 7 TTHC, đề nghị sửa đổi 243 TTHC, đề nghị quy định bổ sung 2 TTHC. Từ ngày 01/10/2021 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.742 quy định kinh doanh tại 125 văn bản.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết: Tiếp tục xác định triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; tập trung nghiên cứu, rà soát để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc nghiên cứu, đề xuất xây dựng mới các luật, pháp lệnh, nghị quyết theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tiếp tục nghiên cứu xây dựng, ban hành 51 văn bản quy định chi tiết; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP nhằm kịp thời tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.

Đồng thời, tổ chức thi hành kịp thời, hiệu quả luật, pháp lệnh; tăng cường công tác giám sát, theo dõi tình hình thi hành pháp luật, công tác kiểm tra, thanh tra; kịp thời phát hiện các vướng mắc, khó khăn, hạn chế trong các đạo luật, để kiến nghị sửa đổi, bổ sung; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật hướng tới mục tiêu chuyển đổi số.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phối hợp, sử dụng văn bản điện tử thay cho văn bản giấy; trao đổi thông tin qua môi trường mạng.

Các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật cần đặc biệt quan tâm là các Bộ trưởng trực tiếp lãnh đạo và chịu trách nhiệm về công tác xây dựng thể chế, pháp luật của bộ, cơ quan ngang bộ. 

Thường xuyên chỉ đạo việc rà soát, đánh giá, tổng kết việc tổ chức thi hành pháp luật, nhằm phát hiện những khó khăn, vướng mắc, gây khó khăn, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

Thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm thực hiện đúng tiến độ, chương trình được đề ra; gắn kết hoạt động kiểm tra, rà soát, pháp điển văn bản quy phạm pháp luật với xây dựng và theo dõi thi hành pháp luật; bảo đảm nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật.

Hoàn thiện thể chế gắn với tổ chức thi hành pháp luật là nhiệm vụ quan trọng   - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng: Báo cáo xác định các nhiệm vụ, giải pháp và đưa ra kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này trong thời gian tới - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phản ánh khá toàn diện và sát thực tình hình triển khai thi hành pháp luật

Thẩm tra của Ủy ban Pháp luật đánh giá cao việc Chính phủ đã nghiêm túc thực hiện Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc chuẩn bị báo cáo có chất lượng, đúng thời hạn, nội dung theo yêu cầu; các thông tin, số liệu cơ bản đầy đủ, rõ ràng.

Báo cáo đã phản ánh khá toàn diện và sát thực tình hình triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian từ ngày 01/10/2021 đến ngày 30/7/2022; đánh giá những mặt làm được, chỉ ra những hạn chế, bất cập và nguyên nhân của những hạn chế, bất cập để từ đó xác định các nhiệm vụ, giải pháp và đưa ra kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng của công tác này trong thời gian tới.

Công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực, trở thành công tác trọng tâm, thường xuyên với nhiều đổi mới, sáng tạo hiệu quả, là cơ sở quan trọng để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh nước ta phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn do tình hình dịch COVID-19 và sức ép lạm phát cao, rủi ro thị trường tài chính, tiền tệ gia tăng, chuỗi cung ứng đứt gãy, thị trường bị ảnh hưởng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, công tác xây dựng, trình dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành triển khai thực hiện nghiêm túc theo yêu cầu của các nhiệm vụ lập pháp được giao theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15. 

Chính phủ đã đề xuất đưa vào chương trình và triển khai xây dựng nhiều dự án luật quan trọng để thực hiện mục tiêu "Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững" theo yêu cầu tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị.

Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được Chính phủ, Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan ngang bộ quan tâm, có nhiều giải pháp tích cực, sáng tạo nhằm đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh. 

Các văn bản quy định chi tiết được ban hành về cơ bản đều tuân thủ quy trình xây dựng, ban hành văn bản, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và khả thi; góp phần sớm đưa các luật, pháp lệnh, nghị quyết được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua đi vào cuộc sống.

Lê Sơn