Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hơn 70 chuyên đề chất lượng cao
Trao đổi với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) cho biết: Để góp phần thiết thực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là các chủ trương, định hướng lớn đối với công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Bộ Tư pháp phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng” bằng hình thức trực tuyến tại 3 điểm cầu (Trung tâm Hội nghị quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Bộ Tư pháp).
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học, người hoạt động thực tiễn với hơn 70 chuyên đề, tham luận chất lượng cao. Trong đó, nội dung hội thảo được tập trung làm rõ một số điểm chính như: Các chủ trương, đường lối về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng mà trọng tâm là thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), bảo đảm quyền con người, quyền công dân, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ, vì sự phát triển của đất nước.
Trên cơ sở, nhận diện các thách thức, cơ hội và những vấn đề pháp lý đặt ra trong việc triển khai thực hiện định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng gắn với bối cảnh phát triển KT-XH của đất nước với sự tác động của đại dịch COVID-19, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, từ đó, hội thảo đề xuất các định hướng, giải pháp, nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Ban tổ chức kỳ vọng, kết quả hội thảo sẽ góp phần quan trọng để các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương, cơ quan hữu quan, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và hoạt động thực tiễn nghiên cứu, vận dụng, tổ chức thực hiện hiệu quả, thực chất các nhiệm vụ đặt ra đối với công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Nỗ lực xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật
Các chuyên gia khoa pháp lý và thực tiễn cho rằng, trong những năm qua, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành ở nước ta đã đạt những thành tựu to lớn. Nhất là chủ trương coi hoàn thiện thể chế là một trong 3 khâu đột phá chiến lược để phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Theo đó, Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị đã nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật. Tổng kết 15 năm triển khai Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, Bộ Chính trị đã khẳng định: Hệ thống pháp luật hiện nay đã cơ bản đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, tạo hành lang pháp lý để phát triển KT-XH, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế cơ bản trong bộ máy Nhà nước không ngừng được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, bảo đảm sự vận hành thông suốt của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương trên cơ sở quy định của Hiến pháp 2013 và các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước.
Pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân được quan tâm hoàn thiện và có nhiều điểm tiến bộ. Trên cơ sở Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, các bản Hiến pháp 1992 và 2013, rất nhiều đạo luật nhằm thể chế hóa các quyền con người, quyền cơ bản của công dân trên mọi lĩnh vực được ban hành. Đặc biệt, Hiến pháp 2013 trên cơ sở tư duy lập hiến mới coi công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân là trách nhiệm của Nhà nước, các đạo luật về vấn đề này được ban hành, sửa đổi, đáp ứng nguyện vọng của công dân.
Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đã mang nhiều đặc điểm của thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Theo đó, để đáp ứng yêu cầu này, chế độ về sở hữu, pháp luật về các loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và thể chế cho việc đổi mới, sắp xếp, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp đều có bước phát triển.
Vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng được coi trọng, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt kết quả tích cực, đội ngũ doanh nhân không ngừng lớn mạnh, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện và thông thoáng hơn, quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế được bảo đảm tốt hơn.
Pháp luật về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa thông tin, thể thao, du lịch, dân tộc và tôn giáo, dân số, gia đình, quốc phòng và an ninh, pháp luật phục vụ hội nhập quốc tế có nhiều hoàn thiện. Hệ thống quy phạm pháp luật về quốc phòng, an ninh không ngừng được hoàn thiện, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013.
Khung pháp luật về hội nhập quốc tế đã được hình thành, phát triển khá đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho việc ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế, cũng như cơ chế bảo đảm thực thi các cam kết quốc tế của Việt Nam, theo đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, tích cực hội nhập chủ động, tạo khung pháp lý vừa chặt chẽ, vừa linh hoạt, đáp ứng yêu cầu ký kết và thực hiện điều ước quốc tế phù hợp với lợi ích của đất nước.
Đặc biệt, pháp luật điều chỉnh quan hệ xã hội phát sinh trong các tình huống khẩn cấp nhanh chóng được ban hành với nhiều giải pháp, chính sách quyết liệt, đồng bộ đã kịp thời ứng phó, giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Công tác tổ chức thi hành pháp luật ngày càng được quan tâm, đúng như Văn kiện Đại hội XIII khẳng định: “Vai trò của pháp luật và thực thi pháp luật ngày càng được chú trọng trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước và đời sống nhân dân”.
Lê Sơn