Báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết, sau hơn 10 năm thi hành Nghị định 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế các bộ, ngành địa phương, vai trò chỉ đạo của tổ chức pháp chế ngày càng được chú trọng, cơ chế phối hợp giữa tổ chức pháp chế và các đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và giữa Sở Tư pháp với cơ quan chuyên môn cấp tỉnh trong công tác pháp chế có nhiều cải thiện, góp phần nâng cao quản lý nhà nước bằng pháp luật ở các bộ, ngành, địa phương.
Đến nay, tất cả các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước đều thành lập tổ chức pháp chế và đi vào hoạt động ổn định, có hiệu quả, có trình độ từ đại học trở lên. Tại các cơ quan bộ, ngành có 4.429 người làm công tác pháp chế, tại cơ các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh cả nước có 2.591 cán bộ làm công tác pháp chế, tại các doanh nghiệp nhà nước có 534 người làm công tác pháp chế.
Để công tác này ngày càng hiệu quả, Bộ Tư pháp kiến nghị sớm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55/2011/NĐ-CP theo hướng, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế; thành lập một số phòng pháp chế tại một số Sở, ngành ghép với phòng chuyên môn khác; bổ sung chính sách hỗ trợ phù hợp cho cán bộ pháp chế tại các bộ, ngành, địa phương nhằm thu hút người có trình cao; bổ sung tổ chức pháp chế trong đơn vị sự nghiệp công lập; người đứng đầu tổ chức pháp chế có thời gian làm công tác pháp chế từ 3 năm cộng dồn trở lên (hiện nay là 5 năm trở lên).
Ông Phạm Thanh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước) nêu lên những đóng góp của công tác pháp chế đối với hoạt động quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Đó là, hoàn thiện hệ thống pháp luật ngân hàng với chức năng góp ý, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền từ khi dự thảo văn bản đến khi được ban hành để gắn chặt chẽ hơn với hoạt động chuyên môn của Ngân hàng Nhà nước; tham mưu với lãnh đạo trong việc ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp quy, tạo khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động quản lý nhà nước phù hợp với các giai đoạn phát triển của đất nước như khuôn khổ điều hành thị trường vàng, hoạt động của quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng, quản lý ngoại hối, điều hành lãi suất….
"Đây là những quy định cải cách mạnh mẽ, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm phù hợp và đồng bộ với các quy định của pháp luật phục vụ tích cực cho hoạt động quản lý nhà nước và mục tiêu cơ cấu lại các tổ chức tín dụng trong giai đoạn mới", ông Ngọc cho hay.
Đại diện cho tổ chức pháp chế thuộc doanh nghiệp nhà nước, ông Nguyễn Minh Khoa, Trưởng ban Pháp chế (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) cho biết, ngay từ năm 2006, Tập đoàn Điện lực đã thành lập Ban Pháp chế độc lập tại Tập đoàn, sau này triển khai đến 9 Tổng công ty thuộc Tập đoàn với 522 người làm công tác pháp chế.
Điều này đã góp phần quan trọng của các tổ chức pháp chế trong các tập đoàn kinh tế trong việc tư vấn, tham mưu cho lãnh đạo doanh nghiệp trước khi ra quyết định trong việc quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh phù hợp với pháp luật, phòng ngừa rủi ro pháp lý, nâng cao công tác quản trị. Người làm pháp chế chủ động đưa ra các ý kiến pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị, nhất là khi được lãnh đạo quan tâm.
Tổ chức pháp chế tại các bộ, ngành, địa phương tiếp tục được củng cố, kiện toàn
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhấn mạnh: Qua hơn 10 năm triển khai thi hành Nghị định số 55 với những hoạt động cụ thể, thiết thực, công tác pháp chế thời gian qua đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét, tạo được hiệu ứng, sức lan tỏa tích cực
Tới nay, đã có nhiều Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp phụ trách công tác xây dựng pháp luật, pháp chế; tổ chức bộ máy của các tổ chức pháp chế tại các bộ, ngành, địa phương tiếp tục được củng cố, kiện toàn.
Đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế ngày càng lớn mạnh, năng lực, trình độ được chuẩn hóa, chất lượng công tác tham mưu ngày càng được nâng cao, hiệu quả hơn; công tác pháp chế ngày càng nền nếp, bài bản, sắc nét hơn, có nhiều đóng góp quan trọng, thiết thực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các bộ, ngành, địa phương, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương ghi nhận, tin tưởng, đánh giá cao.
Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kịp thời ban hành các Kế hoạch triển khai; chú trọng phổ biến, quán triệt đầy đủ, sâu sắc nội dung, yêu cầu, nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 55 tới toàn thể cán bộ, công chức cũng như vai trò, tầm quan trọng của công tác pháp chế bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Công tác quản lý nhà nước về công tác pháp chế được thực hiện hiệu quả, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, thiết thực; tổ chức bộ máy của các tổ chức pháp chế tại các bộ, ngành, địa phương được quan tâm củng cố, kiện toàn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập, vướng mắc cần sớm được khắc phục bằng việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 55.
Đó là, việc thành lập, củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế ở một số địa phương còn hạn chế, mô hình chưa thống nhất; trình độ, năng lực của đội ngũ người làm công tác pháp chế chưa đồng đều, vẫn còn nhiều người chưa có trình độ cử nhân luật, nhất là tại địa phương; một số nhiệm vụ công tác pháp chế hiệu quả chưa cao, nhất là trong việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách; công tác tổ chức thi hành pháp luật tuy đã được quan tâm nhưng vẫn chưa có cơ chế đủ mạnh, đồng bộ để thực hiện; nội dung, hình thức hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trong một số lĩnh vực chưa thật sát và phù hợp với đối tượng, nhu cầu thực tiễn.
Từ việc nhận diện rõ những nguyên nhân của bất cập, vướng mắc nêu trên, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho rằng cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng của công tác pháp chế; tạo điều kiện, động lực cho cán bộ pháp chế phát triển. Đồng thời, tăng cường năng lực trình độ nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế, trong đó mỗi người phải tự đào tạo, học hỏi, tiếp tục đẩy mạnh đào tạo văn bằng 2 tại Đại học Luật Hà Nội theo chương trình riêng cho cán bộ pháp chế cũng như đào tạo kỹ năng tại Học viện Tư pháp với các chương trình đa dạng khác nhau.
Ngoài ra, đội ngũ cán bộ pháp chế phải quyết tâm đổi mới, giải quyết công việc một cách bài bản hơn. Tăng cường phối kết hợp công tác giữa tổ chức pháp chế với các đơn vị, cơ quan khác. Tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về tổ chức hoạt động của tổ chức pháp chế, trước hết là sửa đổi, bổ sung Nghị định 55.
Ghi nhận các ý kiến phát biểu tổng kết Nghị định 55 để Bộ nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.
Cách tiếp cận mới đối với Nghị định 55 là sẽ quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, tập trung quy định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; xem xét tổ chức pháp chế ở bộ, ngành theo hướng mở hơn, không cứng nhắc.
Ở địa phương, Thứ trưởng cũng cho rằng chỉ thành lập Phòng Pháp chế có nhiều công việc liên quan đến phục vụ người dân, doanh nghiệp như Sở Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo…, còn lại có vị trí pháp chế chuyên trách và có vị trí việc làm. Không những thế, sẽ cân nhắc tiêu chuẩn, điều kiện cán bộ pháp chế, người đứng đầu tổ chức pháp chế, bảo đảm sát thực tế, khả thi, góp phần giúp đội ngũ pháp chế thực hiện ngày càng tốt hơn, sâu sắc hơn nhiệm vụ của mình, khẳng định vị trí, tầm quan trọng của công tác pháp chế trong hoạt động chung của các bộ, ngành, địa phương.
Lê Sơn