Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ pháp luật chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh về tầm quan trọng của công tác pháp chế tại các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp Nhà nước. Thời gian qua, đội ngũ làm công tác pháp chế đã có đóng góp quan trọng trong hoạt động xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, cải cách hành chính ở các bộ, ngành, địa phương.
Theo đó, công việc thực tế của đội ngũ pháp chế ngày càng nhiều và phức tạp hơn, yêu cầu ngày càng cao hơn, đòi hỏi nền tảng kiến thức pháp luật vững chắc và thích ứng nhanh với công nghệ thông tin, hội nhập nhanh với môi trường quốc tế. Bên cạnh đó, cán bộ pháp chế phải có tư duy, năng lực đổi mới và sáng tạo để đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của đất nước.
"Thực tế cho thấy, lực lượng pháp chế chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Giải pháp trước mắt là chú trọng việc tăng cường năng lực cho đội ngũ này", ông Nguyễn Hồng Tuyến nói.
Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực để tăng cường năng lực cho đội ngũ pháp chế, biên soạn nhiều tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tổ chức nhiều diễn đàn, hội nghị liên quan cho cán bộ pháp chế bộ, ngành, địa phương.
Qua 10 năm thực hiện Nghị định 55/NĐ-CP, công tác pháp chế ngày càng nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các bộ, ngành, địa phương; đạt được nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Hoạt động quản lý nhà nước về công tác pháp chế được quan tâm, công tác xây dựng pháp luật ngày càng được chú trọng, chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật ngày càng nâng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Việc kiện toàn tổ chức pháp chế ngày càng được quan tâm hơn. Vai trò đầu mối, chủ trì giữa các Vụ Pháp chế, Sở Tư pháp đã tạo được sự phối hợp đồng bộ, thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Đặc biệt, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ pháp chế bộ, ngành, địa phương ngày càng được chuẩn hóa, chất lượng công tác tham mưu, đề xuất các biện pháp, giải pháp cho lãnh đạo ngày càng hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khó khăn và bất cập đối với hoạt động pháp chế hiện nay. Đó là việc kiện toàn tổ chức pháp chế ở bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, sự quan tâm của lãnh đạo một số cơ quan với tổ chức pháp chế còn mờ nhạt.
Nghị định 55/NĐ-CP ban hành từ năm 2011 nhưng đến nay một số quy định không còn bảo đảm tính khả thi, nhất là khi các địa phương đến nay không thành lập được tổ chức pháp chế mà chỉ bố trí cán bộ pháp chế chuyên trách, thậm chí là cán bộ kiêm nhiệm, chất lượng một số nhiệm vụ trong công tác pháp chế còn chưa cao…
Các đại biểu cho rằng, Hội nghị này là cơ hội cho cán bộ pháp chế trao đổi, chia sẻ, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc, kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả trong quá trình tổ chức, thực hiện công tác pháp chế.
Đây cũng là cơ hội để Bộ Tư pháp lắng nghe các kiến nghị của các Sở Tư pháp để tổng hợp trong quá trình sửa đổi Nghị định 55/NĐ-CP, qua đó có giải pháp để tăng cường công tác pháp chế trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đây là cơ hội để những người làm công tác xây dựng pháp luật các tỉnh phía nam được hướng dẫn, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ một cách toàn diện, đầy đủ, bài bản về kỹ năng đánh giá tác động thủ tục hành chính trong lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và soạn thảo dự thảo văn bản quy phạm. Đồng thời đề xuất định hướng sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, giúp các địa phương trao đổi giải pháp hoàn thiện công tác pháp chế, nâng cao trình độ nghiệp vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác chuyên môn và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Lê Sơn