Ngày 28/8, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Lễ tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu năm 2024.
Một trong những trí thức tiêu biểu được vinh danh là PGS.TS.NGND.AHLĐ Nguyễn Thị Trâm, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Giống cây trồng Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Thị Trâm nổi tiếng với việc tạo ra hàng chục giống lúa lai năng suất, chất lượng, đem tới những mùa vàng bội thu cho nông dân, đồng thời tạo ra hàng chục tỷ đồng cho Nhà nước từ việc bán giống lúa, làm rạng danh nền nông nghiệp Việt Nam.
Chia sẻ với Báo điện tử Chính phủ, PGS.TS Trâm bày tỏ niềm xúc động khi được vinh danh và gửi lời cảm ơn chân thành đến bà con nông dân ở nhiều vùng của Tổ quốc đã mạnh dạn ứng dụng những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học.
Kể về chặng đường gần 60 năm làm khoa học, PGS.TS Trâm cho biết bà vào nghề chọn tạo giống lúa từ thời chiến tranh chống Mỹ (1967), trải qua thời hậu chiến tranh, suy thoái kinh tế do bao vây cấm vận, cả nước thiếu thốn, nông dân đói nghèo, cơ sở nghiên cứu, đào tạo xuống cấp.
PGS. TS Trâm luôn tâm niệm một mục tiêu bất biến của nghề là phải tạo ra được giống lúa mới, giống phải mang nhiều tính mới khác biệt, phải có năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn, chống chịu áp lực ngoại cảnh và sâu bệnh khỏe hơn, có thời gian sinh trưởng ngắn phù hợp hơn với từng mùa vụ khác nhau ở mọi miền đất nước.
"Với mục tiêu bất biến đó, lớp nhà chọn giống đồng nghiệp của chúng tôi đã sử dụng các phương pháp truyền thống bất biến, nghĩa là thu thập đánh giá nhiều vật liệu tìm ra những vật liệu mang các tính trạng nông sinh học khác nhau để lai, gây đột biến rồi chọn lọc cá thể trên đồng ruộng", PGS.TS Trâm cho hay.
Phương pháp cũ nên lâu có kết quả. Nhà chọn giống phải lội ruộng quan sát từng tính trạng của từng cây, chọn lọc gieo cấy liên tục hết vụ xuân đến vụ mùa để đánh giá rồi lại chọn lọc...
Do được đánh giá trong nhiều vụ khác nhau như thế nên giống mới ổn định, đưa ra sản xuất ít rủi ro nhưng nhà chọn giống tốn nhiều thời gian, sức lực, trí tuệ hơn.
Theo PGS.TS Trâm, ngày nay nông nghiệp đổi mới nhanh, làm nông nghiệp đa mục tiêu hơn trước. Phải chuyển đổi tư duy theo hướng kinh tế nông nghiệp. Làm nông nghiệp tuần hoàn theo hướng giảm phát thải hướng tới net zero. Làm 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp, làm nông nghiệp thuận thiên hướng tới nông nghiệp hữu cơ bền vững...
Nhà nước luôn khuyến khích đổi mới, sẵn sàng đầu tư trang thiết bị cho đổi mới sao cho đáp ứng được các mục tiêu đa dạng đó. Cơ quan nghiên cứu được đầu tư trang thiết bị mới, để triển khai công nghệ chọn tạo giống hiện đại.
PGS.TS Trâm mong Nhà nước đầu tư đồng bộ hơn cho nghiên cứu khoa học nói chung, khoa học nông nghiệp nói riêng để nông nghiệp phát triển mạnh hơn, xứng đáng là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế.
Cụ thể là khi đầu tư trang thiết bị mới cần kèm theo việc đào tạo nghiên cứu viên phù hợp có thể khai thác đồng bộ các thiết bị mới đó để nghiên cứu liên tục tạo ra sản phẩm nhanh, nhiều, tốt, rẻ hơn so với việc dùng phương pháp cũ, thiết bị cũ.
Cần đào tạo đủ nhà nghiên cứu có tay nghề cao, có khát vọng sáng tạo đồng bộ với việc cung cấp đủ năng lượng, hóa chất và những nhu cầu cần thiết khác để vận hành liên tục các phòng thí nghiệm hiện đại đã được đầu tư.
Bởi hiện nay vẫn còn tình trạng nhiều phòng thí nghiệm vắng bóng nhà nghiên cứu, máy móc thiết bị hiện đại chỉ để cho lãnh đạo dẫn khách đến khách thăm quan mà không đủ điều kiện vận hành.
Vì vậy, nhiều nhà chọn giống ở các viện, trường vẫn phải làm việc theo phương pháp cũ, trên những ô thí nghiệm cũ đã xuống cấp do bị phá hỏng hệ thống tưới tiêu.
Không chỉ thế, họ còn phải dành nhiều thời gian làm những việc ngoài nghiên cứu như đấu thầu vật tư, thiết bị, mua sắm vật tư, lo hóa đơn chứng từ thanh toán hàng năm…
Gửi gắm tới trí thức trẻ, PGS.TS Trâm mong muốn các nhà nghiên cứu trẻ được dành nhiều thời gian cho học tập nâng cao trình độ, cập nhật những kiến thức mới nhất, hiện đại nhất, rèn luyện kỹ năng nghiên cứu thành thạo nhất để có thể thực hành tốt hơn các nghiên cứu hiện đại, đưa nền khoa học nông nghiệp nước nhà hội nhập với thế giới.
Theo Liên hiệp Hội các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, từ năm 2015 đến nay, Liên hiệp Hội đã 5 lần tổ chức thành công Lễ tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu. Qua 5 lần tổ chức, 577 trí thức KHCN tiêu biểu đã được vinh danh. Trong đó, năm 2024, có 135 trí thức được tôn vinh (14 trí thức nữ và 121 trí thức nam).
Hoạt động tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu được xem như một hình thức thi đua yêu nước, có ý nghĩa nhân văn rất lớn, thể hiện sự quan tâm, coi trọng, đãi ngộ của Đảng, Nhà nước đối với trí thức, đồng thời cũng là để khích lệ và ghi nhận các cá nhân có nhiều đóng góp tiêu biểu, xuất sắc trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ quốc phòng, an ninh của đất nước nói chung và sự phát triển của Liên hiệp Hội nói riêng.
Hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức KH&CN và những đóng góp to lớn của hệ thống Liên hiệp Hội đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Những người được lựa chọn tôn vinh là trí thức hoạt động trong các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, các cơ quan của các ngành, lĩnh vực, địa phương và các tổ chức trong hệ thống Liên hiệp Hội từ 10 năm trở lên, có uy tín khoa học, có nhiều đóng góp thiết thực, hiệu quả, có tầm ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành, của cơ quan, đơn vị; được xã hội công nhận, được cơ quan, đơn vị đó đề cử và được các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống Liên hiệp Hội giới thiệu.
Lê Ngọc - Hoàng Giang