Ngày 24/11, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn "Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói".
Diễn đàn Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lắng nghe nông dân nói năm 2024 có chủ đề: "Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng tới mục tiêu NetZero, bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn". Đây là lần đầu tiên đồng chí Lương Quốc Đoàn- Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đồng chí Đỗ Đức Duy- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng chủ trì, cùng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nông dân.
Đặc biệt, Diễn đàn sẽ có sự tham dự trực tiếp của hơn 200 nông dân tiêu biểu từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Diễn đàn được kết nối đến hơn 10.000 điểm cầu là Hội Nông dân các cấp tỉnh, huyện, xã cả nước nhằm tuyên truyền, lan tỏa tới đông đảo cán bộ, hội viên nông dân cả nước.
Theo Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, Diễn đàn là dịp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã về các vấn đề đất đai, chuyển đổi sản xuất xanh, vấn đề bảo vệ môi trường, từ đó có các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khơi thông các "điểm nghẽn" còn tồn tại đúng như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao lãnh đạo các Bộ, ngành chủ động, tăng cường tổ chức lắng nghe, đối thoại với các chủ thể về từng chủ đề, lĩnh vực nhằm kịp thời.
Theo Ban Tổ chức, thông qua các kênh khác nhau như các cấp Hội Nông dân cả nước gửi về, ý kiến bạn đọc qua chuyên mục Lắng nghe nông dân trên Báo điện tử Dân Việt, đã có trên 1.000 câu hỏi, ý kiến, đề xuất, nguyện vọng được gửi đến hai đồng chí lãnh đạo, nhằm giải đáp các thắc mắc về một số vấn đề lớn:
Một là, các vấn đề về đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024 với các nội dung về: Cơ chế, chính sách về thi hành Luật Đất đai, cơ chế, chính sách về khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp; Cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát huy, khơi thông nguồn lực từ đất đai phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội.
Hai là, các vấn đề về cơ chế chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu, mục tiêu giảm phát thải ròng, hấp thụ carbon như về: Cơ chế, chính sách về thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường khả năng dự báo khí tượng, thủy văn, nhất là các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ quét, sạt lở đất, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đảm bảo đời sống, sản xuất cho người nông dân; Phát huy vai trò của nông dân trong thực hiện mục tiêu thực hiện giảm phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 (NetZero), nông dân tham gia sản xuất hấp thụ carbon thấp.
Ba là, các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn như: Cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp, môi trường làng nghề; cung cấp nước sạch và xử lý nước thải ở nông thôn. Thực tiễn trong quá trình thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới; Cơ chế, chính sách trong thực thi về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản ở nông thôn.
Tại Diễn đàn, cán bộ, hội viên nông dân cả nước, các hợp tác xã, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trực tiếp chia sẻ, đề xuất các ý kiến, nguyện vọng đối với Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường về cơ chế, chính sách đất đai, khí hậu, môi trường. Trên cơ sở đó, lãnh đạo hai đơn vị sẽ trực tiếp lắng nghe và trao đổi với phương châm "cùng lắng nghe, cùng trao đổi" trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, đi thẳng vào trọng tâm các vấn đề liên quan.
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết: "Ước tính lượng phát thải của hoạt động nông nghiệp chiếm khoảng 43% tổng lượng phát thải quốc gia, tương đương 65-150 triệu tấn CO2/năm. Đòi hỏi cần nỗ lực kéo giảm phát thải khí nhà kính trong ngành nông nghiệp, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050".
Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, thực tiễn đang đòi hỏi cần phải nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giải quyết tốt thách thức về ô nhiễm môi trường. Đồng thời chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Những vấn đề nói trên đang ảnh hưởng trực tiếp đến các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Diễn đàn đã lắng nghe, trao đổi và thảo luận với hơn 20 nhóm câu hỏi, ý kiến phản ánh với tinh thần thẳng thắn, tâm huyết và trách nhiệm cao của cán bộ hội nông dân, các hội viên nông dân xuất sắc, các Hợp tác xã tiêu biểu, các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp... Các nội dung thảo luận tại Diễn đàn là sự chuẩn bị về nội dung quan trọng trước thềm Hội nghị đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với nông dân năm 2024 dự kiến diễn ra vào tháng 12 tới đây.
Với tinh thần đó, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị các đơn vị trực thuộc của hai cơ quan và các bộ, ngành tiếp tục rà soát, tổng hợp, giải đáp, hướng dẫn kịp thời các câu hỏi, ý kiến chưa được trực tiếp trả lời tại Diễn đàn; đồng thời phối hợp, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ. Theo đó, Bộ trưởng cũng đề ra 6 giải pháp trọng tâm:
Một là, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp hội nông dân, hợp tác xã tích cực quán triệt, tuyên truyền, giáo dục, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong nhận thức và hành động của toàn xã hội nói chung và hội viên nông dân cả nước nói riêng về quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai.
Hai là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện và tổ chức thực thi có hiệu quả hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Ba là, đẩy mạnh chuyển đổi xanh, kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn; tập trung giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, các nguy cơ suy giảm, cạn kiệt tài nguyên và đa dạng sinh học.
Bốn là, thường xuyên cập nhật, hướng dẫn người dân, cộng đồng các kế hoạch, phương án phòng ngừa thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu ở những khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ quét, sạt lở đất, địa bàn trung du, miền núi.
Năm là, tối ưu hóa việc đưa các diện tích đất chưa sử dụng vào sử dụng trong thực tế; kiểm soát chặt hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt là khai thác cát sỏi lòng sông, ven biển.
Sáu là, tập trung nguồn lực giải quyết hiệu quả các vấn đề môi trường nông thôn, đặc biệt là xử lý nước thải làng nghề; cải tạo, phục hồi môi trường các lưu vực sông, hồ chứa, công trình thủy lợi bị ô nhiễm; thực hiện hiệu quả việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bao bì, thuốc bảo vệ thực vật, giảm thiểu chất thải nhựa; tái chế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vi sinh, hữu cơ trong canh tác và phát triển kinh tế nông nghiệp; bảo đảm cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên, đặc biệt là các hệ sinh thái rừng, đất ngập nước, rạn san hô, thảm cỏ biển.
Thu Cúc