In bài viết

Không được yêu cầu thực tập sinh tại Nhật Bản về nước nếu mang thai

(Chinhphu.vn) - Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu doanh nghiệp quán triệt các nhân viên của doanh nghiệp trong quá trình tư vấn, tuyển chọn, giáo dục định hướng, ký kết hợp đồng... tuyệt đối không yêu cầu người lao động ký cam kết hoặc tư vấn với nội dung thực tập sinh sẽ bị về nước nếu mang thai, sinh con trong thời gian thực tập tại Nhật Bản.

31/05/2023 14:05
Không được yêu cầu thực tập sinh tại Nhật Bản về nước nếu mang thai - Ảnh 1.

Khi tư vấn, ký kết hợp đồng, DN tuyệt đối không yêu cầu người lao động ký cam kết nội dung thực tập sinh sẽ bị về nước nếu mang thai, sinh con trong thời gian thực tập tại Nhật Bản - Ảnh minh họa

Thời gian vừa qua Tổ chức thực tập sinh kỹ năng Nhật Bản (OTIT) đã tiến hành điều tra các thực tập sinh Việt Nam và phát hiện một số thực tập sinh được doanh nghiệp yêu cầu ký bản cam kết hoặc tư vấn với nội dung "Thực tập sinh sẽ bị về nước nếu mang thai, sinh con trong thời gian thực tập tại Nhật Bản". Việc này không phù hợp quy định pháp luật của 2 nước về chương trình thực tập kỹ năng.

Cục Quản lý lao động ngoài nước khẳng định việc này không phù hợp quy định pháp luật của 2 nước và Bản ghi nhớ hợp tác về chương trình thực tập kỹ năng.

Để tránh phát sinh sự việc OTIT phản ánh nêu trên, trong công văn gửi các doanh nghiệp, Cục Quản lý lao động ngoài nước nêu rõ: "Yêu cầu doanh nghiệp quán triệt các nhân viên của doanh nghiệp trong quá trình tư vấn, tuyển chọn, giáo dục định hướng, ký kết hợp đồng... tuyệt đối không yêu cầu người lao động ký cam kết hoặc tư vấn với nội dung thực tập sinh sẽ bị về nước nếu mang thai, sinh con trong thời gian thực tập tại Nhật Bản".

Trường hợp phát sinh sự việc mang thai, sinh con… trong thời gian thực tập tại Nhật Bản, doanh nghiệp trao đổi với với đoàn thể quản lý, công ty tiếp nhận và bản thân thực tập sinh để có phương án xử lý phù hợp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động.

Nhật Bản thành lập chương trình thực tập sinh kỹ thuật năm 1993 nhằm hỗ trợ lao động các nước đang phát triển học tập kỹ năng trong các lĩnh vực như nông nghiệp, xây dựng và chế biến thực phẩm. Mỗi khóa đào tạo không quá 5 năm, lao động sau khi làm việc tại Nhật Bản về nước được kỳ vọng là nguồn nhân lực có trình độ cao trong ngành nghề được đào tạo.

Tuy nhiên, một số chủ lao động đã lợi dụng chương trình này để tìm nguồn nhân công giá rẻ, khiến thực tập sinh có nguy cơ bị bóc lột và lạm dụng. Hôm 10/4/2023, hội đồng gồm 15 chuyên gia, học giả và quan chức đứng đầu các tỉnh ở Nhật Bản đã đề xuất loại bỏ chương trình này bởi chỉ tập trung vào "nguồn nhân lực" - yếu tố bị lợi dụng biến các thực tập sinh thành công nhân làm công việc tay chân do thiếu nhân lực trầm trọng vì già hóa dân số.

Về vấn đề này, trong cuộc hội đàm mới đây giữa Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung với Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản Kato Katsunobu về chương trình thực tập sinh kỹ năng, ông Kato Katsunobu cho biết gần đây nhiều phương tiện truyền thông có đưa tin Nhật Bản hủy bỏ chương trình thực tập sinh kỹ thuật. Điều này làm cho nhiều người lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam lo lắng.

Ông Kato Katsunobu khẳng định: "Chính phủ Nhật đang rà soát lại chương trình thực tập sinh kỹ năng và lao động kỹ năng đặc định, sao cho hoạt động này tốt hơn, hiệu quả hơn. Thực chất, chúng tôi không hủy bỏ toàn bộ chương trình".

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản, chương trình thực tập sinh kỹ năng đang triển khai với mục tiêu chuyển giao kỹ thuật, đóng góp cho việc đào tạo nguồn nhân lực với các đối tác. Tuy nhiên, trên thực tế, ngoài đào tạo nguồn nhân lực, chương trình còn mang ý nghĩa bảo đảm nguồn lao động cần thiết của Nhật. Chính vì vậy, thời gian tới, Nhật Bản vẫn sẽ giữ lại một số nội dung liên quan đến bảo đảm nguồn nhân lực trong chương trình này.

Hiện có khoảng 328.000 người Việt Nam cư trú tại Nhật với tư cách là thực tập sinh kỹ thuật.

Thu Cúc