Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) vừa thông báo kế hoạch tuyển chọn thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo Chương trình IM Japan (Chương trình) đợt 2 năm 2023 với số lượng không giới hạn.
Theo đó, việc tuyển chọn nhằm thực hiện Bản ghi nhớ giữa Bộ LĐTB&XH và Tổ chức Phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (Tổ chức IM Japan) về chương trình đào tạo thực tập kỹ thuật cho thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản. Việc tuyển chọn sẽ không giới hạn số lượng thực tập sinh, làm việc tại Nhật Bản trong ngành sản xuất chế tạo và xây dựng. Người lao động (NLĐ) được lựa chọn ngành thực tập là sản xuất chế tạo hoặc xây dựng theo nguyện vọng cá nhân, ngay từ khi nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển và không được phép thay đổi ngành nghề khi đã trúng tuyển.
NLĐ tham gia Chương trình phải đảm bảo các yêu cầu: Nam từ 18-30 tuổi; tốt nghiệp THPT hoặc tương đương trở lên; không xăm mình (kể cả hình xăm đã xóa); chưa từng tham gia các chương trình đào tạo thực tập sinh của Nhật Bản; chưa từng cư trú và làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài.
Tham gia Chương trình, NLĐ phải trả chi phí làm hộ chiếu, lệ phí visa, chi phí khám sức khỏe, tiền ăn, tiền ký túc xá NLĐ đóng trực tiếp cho đơn vị cung cấp dịch vụ. Trung tâm Lao động ngoài nước thu các khoản tiền quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, học phí các khoá đào tạo dự bị, chính thức trước phái cử, ôn tập trước xuất cảnh và giáo dục định hướng. NLĐ sẽ được nhận lại các khoản thu học phí và ký túc xá khóa đào tạo chính thức trước phái cử (tối đa 4 tháng) sau khi xuất cảnh sang Nhật Bản.
Trung tâm Lao động ngoài nước nhận được kinh phí chi phí quản lý Chương trình từ phía IM Japan. Khoản tiền này sẽ được chuyển vào tài khoản của NLĐ tại Việt Nam. NLĐ dừng tham gia Chương trình giữa chừng sẽ không được nhận lại khoản kinh phí này.
Tổng chi phí để tham dự Chương trình, bao gồm cả khoản học phí và ký túc xá khóa đào tạo chính thức mà NLĐ nhận lại sau khi xuất cảnh, dự kiến trong khoảng từ 28-38 triệu đồng.
Ngoài các khoản chi phí nêu trên, NLĐ không phải nộp bất kỳ khoản chi phí nào khác. Khi tham gia Chương trình, NLĐ được hưởng mức lương theo hợp đồng sau khi đã khấu trừ tiền thuế, bảo hiểm và tiền nhà ở trong khoảng từ 18-20 triệu đồng/tháng (chưa bao gồm tiền làm thêm ngoài giờ). Ngoài ra, các khoản được hỗ trợ từ Tổ chức IM Japan, như: Tiền học phí, tiền ký túc xá trong thời gian tham gia khóa đào tạo chính thức 4 tháng trước phái cử (với những NLĐ xuất cảnh sang Nhật Bản tham gia thực tập kỹ thuật), tiền vé máy bay.
Sau khi hoàn thành Chương trình và về nước đúng thời hạn, Tổ chức IM Japan sẽ hỗ trợ từ 600.000 yên đối với thực tập sinh hoàn thành 3 năm thực tập đến 1 triệu yên đối với thực tập sinh hoàn thành 5 năm thực tập (tương đương từ 120-200 triệu đồng) để khởi nghiệp; được nhận khoản tiền bảo hiểm hưu trí (khoảng 80 triệu đồng sau 3 năm thực tập). Đặc biệt, Trung tâm Lao động ngoài nước và Tổ chức IM Japan sẽ hỗ trợ NLĐ tìm kiếm việc làm sau khi hoàn thành Chương trình và về nước.
Theo Bộ LĐTB&XH, những năm gần đây, số lượng thực tập sinh Việt Nam nhập cảnh vào Nhật Bản tăng mạnh, riêng năm 2022 có gần 68.000 thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản. Hiện nay, trong 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản, Việt Nam là nước đứng đầu cả về số lượng thực tập sinh nhập cảnh hàng năm vào Nhật Bản và số lượng thực tập sinh đang thực tập tại nước này. Hiện có hơn 200.000 thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản (chiếm hơn 50% tổng số thực tập sinh tại Nhật Bản).
Trước đó, trong cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung hội đàm với Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản Kato Katsunobu về chương trình thực tập sinh kỹ năng, ông Kato Katsunobu cho biết, gần đây nhiều phương tiện truyền thông có đưa tin Nhật Bản hủy bỏ chương trình thực tập sinh kỹ thuật. Điều này làm cho nhiều người lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam lo lắng.
"Chính phủ Nhật đang rà soát lại chương trình thực tập sinh kỹ năng và lao động kỹ năng đặc định, sao cho hoạt động này tốt hơn, hiệu quả hơn. Thực chất, chúng tôi không hủy bỏ toàn bộ chương trình", ông Kato Katsunobu khẳng định.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản, hiện nay, chương trình thực tập sinh kỹ năng đang triển khai với mục tiêu chuyển giao kỹ thuật, đóng góp cho việc đào tạo nguồn nhân lực với các đối tác. Tuy nhiên, trên thực tế, ngoài đào tạo nguồn nhân lực, chương trình còn mang ý nghĩa bảo đảm nguồn lao động cần thiết của Nhật.
Chính vì vậy, thời gian tới, Nhật Bản vẫn sẽ giữ lại một số nội dung liên quan đến bảo đảm nguồn nhân lực trong chương trình này.
Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản cho biết thêm, hiện chương trình đang bị lợi dụng ở một số điểm, khiến các thực tập sinh bị biến thành công nhân làm công việc tay chân để đáp ứng nhu cầu thiếu hụt nhân lực trầm trọng của Nhật do tiến trình già hóa dân số.
Ông Kato Katsunobu cho hay, việc thay đổi chương trình này là cần thiết, nhằm xây dựng một hệ thống mới để "bảo vệ và phát triển" nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, thay đổi mới này cũng để tạo điều kiện cho người lao động nâng cao kỹ năng, tay nghề, để sau khi hết thời hạn làm việc tại Nhật họ có thể trở về, đóng góp cho quê hương bằng những kinh nghiệm, kỹ năng học hỏi được.
Sắp tới Chính phủ Nhật Bản sẽ chuẩn bị những phương án, biện pháp tuyên truyền cần thiết tới người lao động về những thay đổi của chương trình thực tập sinh kỹ năng.
Thu Cúc