VEC E cho biết, sau khi cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thông xe cách đây 4 tháng, lượng xe qua cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây ngày càng tăng cao. Đoạn từ An Phú đến nút giao với tuyến Dầu Giây - Phan Thiết bình quân mỗi ngày 58.000-62.000 lượt, cao điểm tăng lên 70.000-73.000 lượt, vượt gần gấp đôi năng lực khai thác.
Vì vậy, để tránh tình trạng ùn tắc, VEC E khuyến cáo tài xế trước khi lưu thông vào cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây cần kiểm tra thông tin về tình trạng giao thông trên tuyến, có thể qua kênh VOV Giao thông hoặc các phương tiện truyền thông khác để có lựa chọn lộ trình thích hợp. Tránh tình trạng khi cao tốc đang bị ùn tắc, các tài xế vẫn cho xe lưu thông vào sẽ thêm ùn tắc hơn.
Lộ trình thay thế có thể là từ TPHCM theo quốc lộ 1 đi về Biên Hòa hoặc theo phà Cát Lái đi qua Nhơn Trạch để tránh ùn tắc.
VEC E cũng sẽ phối hợp với các đơn vị quản lý, CSGT để điều tiết, phân luồng từ xa, nhất là khi có sự cố, va chạm, tai nạn trên cao tốc.
Đơn vị quản lý cao tốc TPHCM - Long Thành khuyến cáo lái xe chú ý giảm tốc độ, giữ khoảng cách an toàn để tránh nguy cơ xảy ra va chạm trên tuyến.
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây có quy mô 10 làn xe. Hiện tại, giai đoạn 1 của dự án với quy mô 4 làn xe đã được Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư và đưa vào khai thác từ năm 2016.
Từ khi đưa vào khai thác đến nay, lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến liên tục tăng cao (trung bình tăng khoảng 10,45%/năm).
Theo tính toán, phạm vi cao tốc từ TPHCM (nút giao An Phú) đến Long Thành (nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu) dài khoảng 26 km đã khai thác vượt so với năng lực thông hành của tuyến, chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải. Tuyến đường thường xuyên rơi vào tình trạng ùn tắc nghiêm trọng.
Trước đó, vào tháng 10/2022, VEC đã đề xuất tự bố trí nguồn vốn khoảng 14.700 tỷ đồng để mở rộng tuyến cao tốc này lên 8-10 làn xe.
Phan Trang