In bài viết

Kiểm định chất lượng đầu vào công chức: Tập trung đánh giá năng lực tư duy, ứng dụng vào thực tiễn

(Chinhphu.vn) - Thực hiện chủ trương đổi mới về nội dung và hình thức trong thi tuyển công chức, Bộ Nội vụ đề nghị việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được thực hiện bằng hình thức thi trắc nghiệm trên máy vi tính; nội dung kiểm định sẽ tập trung đánh giá năng lực tư duy, nhận thức, khoa học, năng lực ứng dụng vào thực tiễn của thí sinh.

09/08/2022 09:19
Điều kiện đăng ký tham gia kiểm định chất lượng đầu vào công chức - Ảnh 1.

Một trong những điều kiện đăng ký tham gia kiểm định chất lượng đầu vào công chức phải là người có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam

Tại dự thảo Nghị định quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức, Bộ Nội vụ nêu rõ các điều kiện đăng ký tham gia kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Theo dự thảo, người có đủ các điều kiện sau đây, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký tham gia kiểm định chất lượng đầu vào công chức:

a) Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam;

b) Đủ 18 tuổi trở lên;

c) Có giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời hoặc bằng tốt nghiệp chuyên môn ở trình độ đào tạo phù hợp với yêu cầu kiểm định.

Những người sau đây không được đăng ký kiểm định chất lượng đầu vào công chức:

a) Không cư trú tại Việt Nam;

b) Mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

c) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của Tòa án mà chưa được xóa án tích; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục.

Không yêu cầu phải thi môn ngoại ngữ và tin học

Thực hiện chủ trương đổi mới về nội dung và hình thức trong thi tuyển công chức theo hướng đơn giản hóa thủ tục, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức và nâng cao chất lượng công tác tổ chức thi, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thi tuyển công chức để phòng chống tiêu cực trong thi tuyển, Bộ Nội vụ đề nghị việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được thực hiện bằng hình thức thi trắc nghiệm trên máy vi tính, nội dung kiểm định không chỉ đánh giá về việc hiểu biết chung của thí sinh dự thi về chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật về quản lý Nhà nước mà yêu cầu thí sinh hiểu về quyền, nghĩa vụ, chức trách, nhiệm vụ của công chức, kiến thức về văn hóa, lịch sử, đạo đức công vụ… Ngoài ra, nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng các câu hỏi kiểm định sẽ tập trung đánh giá năng lực tư duy, nhận thức, khoa học, năng lực ứng dụng vào thực tiễn của thí sinh.

Tại dự thảo Nghị định, Bộ Nội vụ đề xuất không yêu cầu phải thi môn ngoại ngữ và tin học vì theo yêu cầu chuẩn đầu ra về ngoại ngữ của sinh viên tốt nghiệp các trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cử nhân đều yêu cầu đáp ứng trình độ ngoại ngữ bậc 3.

Đồng thời, tại các cơ sở giáo dục đại học hiện quy định chuẩn đầu ra trình độ ngoại ngữ đối với sinh viên khi tốt nghiệp theo Quyết định số 1400/QĐ-TTg, mà chuẩn đầu ra về trình độ ngoại ngữ đó phù hợp với yêu cầu về trình độ ngoại ngữ tương ứng với ngạch công chức tham gia dự tuyển. 

Đối với tin học, do hiện nay yêu cầu sử dụng công nghệ thông tin trong các cơ sở giáo dục cũng như quy định việc tổ chức thi tuyển trên máy tính cũng là bước kiểm tra kiến thức và kỹ năng sử dụng tin học.

Tuy nhiên, đối với những vị trí việc làm yêu cầu phải có trình độ ngoại ngữ hay tin học ở trình độ cao thì cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức có thể yêu cầu kiểm tra tại lúc thực hiện quy trình tuyển dụng công chức.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Minh Đức