Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ Nội vụ cho biết, với việc phân cấp tuyển dụng công chức hiện nay, các cơ quan tuyển dụng phải trực tiếp tổ chức thực hiện vòng 1 kỳ thi dẫn đến việc lãng phí thời gian, nhân lực, vật lực trong quá trình tuyển dụng công chức. Mỗi lần tuyển dụng tại bộ, ngành và địa phương, các nội dung vòng 1 kỳ thi đều phải thực hiện lại từ đầu (như: thuê các chuyên gia xây dựng, thẩm định bộ câu hỏi, thuê phần mềm tổ chức thi, thuê địa điểm tổ chức, thành lập Hội đồng và các ban giúp việc, tổ chức chấm thi cho 3 môn). Việc này gây tốn kém về ngân sách và huy động số lượng người tham gia rất lớn.
Bên cạnh đó, trong không ít trường hợp khi tuyển dụng, cơ quan tuyển dụng nhận được số hồ sơ không lớn, nguồn tuyển bị hạn chế, chất lượng không đồng đều nhưng vẫn phải thực hiện đầy đủ quy trình vòng 1, chi phí cho việc thi vòng 1 trên 1 thí sinh rất cao mà lệ phí thi khó có thể bù đắp được và có những nơi số lượng người tham gia thi vòng 1 rất đông nhưng chỉ tiêu ít, dẫn đến việc lãng phí nguồn nhân lực khi không thể để những người đã đạt vòng 1 đó được tham gia các kỳ tuyển dụng khác hoặc do các bộ, ngành, địa phương khác tổ chức.
Do đó, việc thực hiện thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức thay vì mỗi bộ ngành, địa phương tự tổ chức thi tuyển sẽ tiết kiệm được các chi phí cho công tác tuyển dụng từ ngân sách nhà nước. Các chi phí giảm bao gồm chi phí về tiếp nhận hồ sơ, xây dựng ngân hàng câu hỏi, tổ chức coi thi, chấm thi, chi phí của hội đồng thi tuyển.
Hoạt động kiểm định chất lượng đầu vào công chức sẽ nâng cao về hiệu quả tuyển dụng, cơ quan tuyển dụng công chức sẽ có thụ hưởng các lợi ích: Nguồn tuyển lớn từ nguồn thí sinh đạt điều kiện kiểm định thay vì giới hạn từ các thí sinh nộp hồ sơ trong mỗi đợt tuyển dụng. Cơ quan tuyển dụng công chức có điều kiện lựa chọn những thí sinh có năng lực tốt nhất, phù hợp nhất trở thành công chức; giảm chi phí trong tổ chức tuyển dụng công chức; rút ngắn thời gian tuyển dụng công chức; nguồn dự tuyển luôn chủ động từ các thí sinh có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng đầu vào công chức thay vì phụ thuộc vào nguồn dự tuyển từ thông báo tuyển dụng của cơ quan...
Do đó, xét về tổng thể, việc thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức không những không phát sinh thêm chi phí mà còn có thể tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước.
Vì vậy, tại dự thảo Nghị định đã đề xuất thống nhất Bộ Nội vụ là cơ quan thực hiện việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Minh Đức