Thông tư này quy định về nội dung, trình tự và tổ chức thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường.
Theo Thông tư quy định, các căn cứ kiểm tra về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường bao gồm:
Thông tin, cảnh báo về hàng hóa lưu thông trên thị trường không phù hợp với các điều kiện quy định tại Điều 38 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; thông tin phản ánh dưới mọi hình thức của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước về dấu hiệu vi phạm chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nhãn hàng hóa.
Kết quả khảo sát hoặc kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường phát hiện hàng hóa có nhãn hàng hóa không đúng quy định hoặc có dấu hiệu chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Theo yêu cầu quản lý hoặc đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về chất lượng sản phẩm, hàng hóa chuyển đến.
Theo kế hoạch kiểm tra hằng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thông tư quy định cụ thể nội dung kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa. Trong đó, kiểm tra thông tin hàng hóa gồm: Kiểm tra nhãn hàng hóa và tài liệu kèm theo mà quy định buộc phải có; kiểm tra tiêu chuẩn công bố áp dụng, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy theo quy định; kiểm tra mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa theo quy định.
Kiểm tra chất lượng hàng hóa, kiểm tra sự phù hợp của hàng hóa so với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng, nhãn hàng hóa và tài liệu kèm theo; kiểm tra các nội dung khác liên quan đến chất lượng hàng hoá.
Trong quá trình kiểm tra, trường hợp hàng hóa có dấu hiệu không bảo đảm chất lượng thì Trưởng đoàn kiểm tra quyết định lấy mẫu theo quy định.
Đối với hàng hóa kinh doanh trong hoạt động thương mại điện tử, ngoài kiểm tra theo quy định, Đoàn kiểm tra tiến hành so sánh tính thống nhất của các thông tin trên các trang thông tin điện tử với thực tế của hàng hóa được kiểm tra.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ 3/3/2024.
Minh Đức