Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đáng chú ý, ngày hôm qua, giá trị giao dịch của nhóm hàng nguyên liệu công nghiệp tăng rất mạnh, hơn 113% so với hôm trước. Toàn bộ 7 mặt hàng trong nhóm nông sản đều lên giá.
Theo MXV, ngày giao dịch 30/1, toàn bộ 7 mặt hàng nhóm nông sản đều tăng giá. Trong đó, giá đậu tương ghi nhận mức tăng mạnh hơn 2%, chấm dứt chuỗi ba phiên liên tiếp suy yếu. Sau khi giảm về vùng hỗ trợ, thị trường đã nhận được lực mua kỹ thuật mạnh giúp giá hồi phục từ mức thấp nhất trong vòng hai năm qua. Mặc dù không nhiều thông tin cơ bản hỗ trợ, tuy nhiên, việc các tổ chức cắt giảm sản lượng đậu tương tại Brazil cũng là yếu tố thúc đẩy lực mua đậu tương.
Trong khảo sát lần thứ 5 của Công ty tư vấn Datagro, sản lượng đậu tương niên vụ 2023/24 của Brazil dự báo sẽ đạt 148,55 triệu tấn, thấp hơn so với mức 152,88 triệu tấn từ cuộc khảo sát trước. Datagro cho biết một lần nữa khí hậu bất thường sẽ khiến sản lượng bị sụt giảm. Năng suất ước tính còn 3,27 tấn/ha, thấp hơn 8,9% so với kỷ lục 3,6 tấn/ha trong niên vụ trước.
Bên cạnh đó, mặc dù tốc độ thu hoạch đậu tương đã được đẩy nhanh nhưng ảnh hưởng của đợt nắng nóng gay gắt cuối tháng 12 và đầu tháng 1 khiến cây trồng chín sớm. Theo đó, sản lượng đậu tương niên vụ 23/24 của bang Paraná dự kiến chỉ đạt 19,2 triệu tấn, thấp hơn mức 22 triệu tấn của niên vụ trước. Dự báo sản lượng thấp hơn tại Parana cũng thúc đẩy lực mua trên thị trường.
Tương tự đậu tương, hai mặt hàng thành phẩm là khô đậu tương và dầu đậu tương cũng đồng loạt tăng giá. Giá khô đậu tương đã tăng gần 2,5% và là mặt hàng tăng mạnh nhất nhóm nông sản. Trong báo cáo ngày hôm qua, Hiệp hội Các nhà xuất khẩu ngũ cốc Brazil (ANEC) đã hạ dự báo xuất khẩu khô đậu tương của nước này trong tháng 1 xuống còn 1,76 triệu tấn, giảm so với mức 2,2 triệu tấn ước tính trước. Nguồn cung thấp hơn từ Brazil sẽ phần nào giảm bớt áp lực cạnh tranh trên thị trường, từ đó hỗ trợ giá.
Kết thúc ngày giao dịch 30/1, giá cà phê Arabica phục hồi 2,51%; giá Robusta tăng thêm 1,86%, đồng thời tạo đỉnh mới trong 30 năm. Tồn kho trên Sở ICE tiếp tục giảm sâu, đẩy lo ngại thiếu hụt nguồn cung thêm nghiêm trọng.
Tồn kho Robusta trên Sở ICE-EU tính đến hết ngày 29/1 giảm 910 tấn, còn 28.860 tấn, một trong những lượng cà phê lưu trữ thấp nhất từng ghi nhận.
Bên cạnh đó, trong báo cáo kết phiên 29/1, tổng lượng Arabica đã qua chứng nhận tại Sở ICE-US giảm 5.741 bao, còn 243.465 bao. Hoạt động phân loại cà phê tiếp tục đình trệ trong khi nhu cầu tiêu thụ vẫn tiếp diễn khiến cho tồn kho đạt chuẩn giảm mạnh dù số cà phê chờ phân loại đã tăng lên 81.998 bao.
Ngoài ra, tháng 1, chỉ số Dollar Index suy yếu, niềm tin người tiêu dùng Mỹ tăng cao và số việc làm mới cao cũng hơn dự kiến. Những yếu tố này kéo tỷ giá USD/BRL đi xuống vào nửa cuối phiên tối. Chênh lệch tỷ giá thu hẹp làm hạn chế nhu cầu bán hàng của nông dân Brazil, từ đó thúc đẩy giá cà phê tăng.
Ở một diễn biến khác trên bảng giá nhóm hàng nguyên liệu công nghiệp, sau ba phiên giảm liên tiếp, giá đường 11 tăng 1,61% so với tham chiếu. Giá dầu thô phục hồi đã kéo giá đường đi lên. Trong đó, giá dầu thô WTI tăng hơn 1%, thúc đẩy các thúc đẩy các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên mía ép cho chiết suất ethanol. Như vậy, nguyên liệu đầu cho sản xuất đường đi xuống, có thể khiến nguồn cung đường thu hẹp trong thời gian tới.